Ảnh minh họa
"Vàng xanh" thoát nghèo
Những năm trước, ít ai dám nghĩ nhiều hộ gia đình ở Nà Cà - một bản người Thái (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) có thể làm giàu từ cây chè. Bởi cây chè vốn được trồng tự phát, hầu hết người dân chưa nhận thức việc phát triển thành cây hàng hóa nên năng suất, chất lượng còn thấp. Giờ đây đến Nà Cà không còn cảnh đất trống đồi trọc, thay vào đó là mầu xanh của những nương chè bát ngát. Cây chè trở thành thứ "vàng xanh" đối với người dân.
Có sự đổi thay là nhờ từ năm 2019, Nà Cà bước đầu tham gia mô hình Làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu. Thời gian đầu triển khai mô hình, mỗi thôn, bản hình thành nhóm nông dân nòng cốt. Cán bộ dự án hướng dẫn người dân lập kế hoạch sản xuất, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, hướng tới thị trường nông sản sạch, giá trị kinh tế cao. Với lợi thế cây kinh tế sẵn có là cây chè, bản Nà Cà đã hình thành nên nhóm sản xuất chè. Toàn bộ 61 hộ trong bản đồng lòng tham gia với tổng diện tích ban đầu là 12,6 ha chè.
Ông Quàng Văn Yêu, thành viên nhóm nông dân thích ứng bản Nà Cà chia sẻ: Dân bản trồng chè từ năm 1997. Tuy nhiên, do canh tác đã lâu cộng với các hộ nông dân thiếu kỹ thuật chăm sóc, nhiều gốc chè bị thoái hóa dẫn đến chất lượng và năng suất chè thành phẩm đều thấp. Sau khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, diện tích chè thoái hóa trên địa bàn được khắc phục, chất lượng, năng suất chè cũng tăng lên 50-60%.
Cùng đó, nhằm giúp người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã phối hợp các nhà khoa học của dự án, kết nối người nông dân trồng chè tại Nà Cà với các doanh nghiệp. Qua đó phía doanh nghiệp cam kết đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, thu hái và bao tiêu sản phẩm cho 100% số hộ trồng chè. Đổi lại, để sản phẩm chè có thể vào được những thị trường khó tính như châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), quá trình canh tác của nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sản phẩm chè sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài mô hình chính là trồng chè, dự án còn triển khai đồng thời hai mô hình phụ là nuôi gà và ủ phân. Trong đó, việc nuôi gà giúp tăng thu nhập cho người dân, còn phân thải từ chăn nuôi gà sẽ được ủ để bón cho cây chè, từ đó hạn chế việc dùng phân hóa học. "Tham gia mô hình, bà con đã nhận thức được việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến môi trường", ông Quàng Văn Yêu nói.
Đáng mừng, sau ba năm triển khai, diện tích chè của bản tăng từ 12,6 ha ban đầu lên 22,4 ha. Thu nhập của người dân cũng tăng theo, từ mức 16,5 triệu đồng/người/năm lên 21 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thu nhập chính chuyển từ cây lúa, ngô, sắn sang cây chè. Đóng góp của cây chè trong thu nhập gia đình từ 50% trước dự án lên 80% sau dự án.
Ðặt người nông dân làm trung tâm
Năm 2019, dự án "Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu tây bắc Việt Nam" (Dự án VOF) được triển khai tại sáu thôn, bản thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), Yên Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Châu (tỉnh Sơn La) thông qua thực hiện mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Người dân tham gia dự án được quan sát, tập huấn kỹ thuật và thực hiện các mô hình canh tác có đủ quy mô ứng phó với biến đổi khí hậu ngay tại thôn bản, được hỗ trợ tiếp cận thị trường để tiêu thụ nông sản... Theo ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, cùng với bản Nà Cà, tỉnh Lai Châu còn triển khai mô hình Làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu tại bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Sau gần ba năm thực hiện, các gia đình tham gia dự án được tăng thu nhập ít nhất 40% từ việc bán sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận.
Còn tại tỉnh Sơn La, dự án tập huấn cho người dân mô hình Nông lâm kết hợp trồng xoài xen cỏ; nuôi bò thịt, bò đực giống; ủ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc; ủ phân từ chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp nhằm hạn chế dùng phân hóa học; chuyển đổi diện tích đồi trọc, diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng vải thiều. Người dân được hỗ trợ mua máy phát cỏ, làm sạch cỏ, xới đất đa năng để cải tạo đất theo hướng bền vững; hỗ trợ nuôi dê tận dụng nguồn thức ăn từ các diện tích đất lúa ngập nước một vụ do biến đổi khí hậu gây nên.
Ở các mô hình, để trở thành thành viên của các Nhóm nông dân ứng phó biến đổi khí hậu, người nông dân không chỉ được học các kiến thức về sản xuất nông nghiệp thích ứng và giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn tham gia nhiều hoạt động nâng cao như tập huấn tiếp cận thị trường, tập huấn truyền thông,... Từ các hoạt động, người nông dân được trau dồi các kỹ năng như thuyết trình, sử dụng internet, mạng xã hội, chụp ảnh, quay phim bằng điện thoại thông minh,… đã trở nên tự tin hơn để mang sản phẩm của mình quảng bá tới mọi miền đất nước.
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Quản lý dự án VOF cho biết, người dân tham gia đều phấn khởi và gắn bó mô hình Làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu, do dự án đã đề cập đến những vấn đề thiết thực của bà con trong sản xuất và họ hoàn toàn được chủ động trong việc quyết định những giải pháp áp dụng và được hỗ trợ đa dạng từ kỹ thuật, phương tiện đến các mối quan hệ, liên kết công việc. Sau dự án, địa phương hoàn toàn có thể mở rộng hơn theo lĩnh vực, không chỉ là Làng nông nghiệp, mà là Làng sinh thái, Làng ứng phó với biến đổi khí hậu… Qua đó, huy động sức mạnh cộng đồng để giải quyết những thách thức về môi trường đang đặt ra đối với các cộng đồng người dân miền núi./.