Sáng tạo trong tuyên truyền phòng, chống dịch

Thứ ba, 12/05/2020 11:19

Gần 2 tháng nay kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát diện rộng và nhất là khi có chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện giãn cách xã hội, người dân xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã quen với hình ảnh Phó chủ tịch UBND xã Điểu Yang cùng chiếc xe gắn máy chở loa lưu động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng tiếng Việt và tiếng S’tiêng.

Đắk Nhau là xã vùng sâu, xa của huyện Bù Đăng, với 46% số dân là người dân tộc thiểu số, trong đó đa phần đồng bào Mơnông, S’tiêng không rành tiếng Việt. Do đó, việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, ông Điểu Yang, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau đã trực tiếp biên soạn nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc S’tiêng, thu âm vào máy điện thoại và kết nối với chiếc loa di động. Hằng ngày, ông cùng thành viên tổ tuyên truyền của xã rong ruổi khắp các thôn, sóc, vườn rẫy... tuyên truyền về nguy hiểm của dịch bệnh đối với cá nhân và xã hội. Bên cạnh đó, ông hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, không tụ tập ăn uống theo phong tục tập quán của người S’tiêng, Mơnông để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
 
20200513-m10.jpg
 
Ông Điểu Yang (mặc áo trắng), Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng cùng thành viên tổ tuyên truyền đi tuyên truyền phòng chống dịch trong thôn, sóc đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã
 
Qua thực tế tại địa phương cho thấy, sau khi được nghe tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, nhân dân đã tiếp thu các thông tin một cách hiệu quả, tích cực. Điều đó thể hiện qua ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tiêu biểu như gia đình ông Điểu Căn ở thôn Đắk Liên chủ động hoãn đám cưới của con gái để cùng địa phương phòng, chống dịch. Ông Điểu Căn chia sẻ: “Lúc đầu nhiều người trong gia đình phản đối việc hoãn đám cưới của con do mọi người nghĩ ở vùng sâu, xa thì sợ gì lây bệnh. Nhưng hằng ngày được nghe tuyên truyền qua hệ thống phát thanh bằng tiếng dân tộc S’tiêng mình, lại là giọng nói của Phó chủ tịch xã nữa thì mọi người trong gia đình nhất trí ngay”.
 
Hay như bà Thị Leng ở xã Đắk Nhau cho biết, là người cao tuổi nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông của bà cũng hạn chế. Dù hằng ngày vẫn theo dõi trên tivi về tình hình dịch bệnh nhưng bà cũng chỉ hiểu một chút về mức độ nguy hiểm và cách phòng dịch. Từ khi được nghe qua loa truyền thanh của chính Phó chủ tịch UBND xã với những thông tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống bằng tiếng dân tộc, bà đã hiểu và nhắc nhở con cháu trong gia đình tự giác phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang khi có việc ra đường và rửa tay đúng cách, giữ gìn vệ sinh chung.
 
Ngoài tuyên truyền trên loa phát thanh, lưu động, UBND xã đã in hàng trăm bản dịch để phát cho cán bộ thôn, sóc tuyên truyền người dân nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh. Với sự chủ động và sáng tạo trong tuyên truyền, nhận thức của người dân các thôn, sóc trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để cán bộ gắn bó mật thiết với người dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ cách làm hiệu quả của xã Đắk Nhau, đến nay 16/16 xã, thị trấn trong huyện Bù Đăng đã đồng loạt học tập và triển khai./.
L.Hoàng - D.Hiệp
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top