- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
+ Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (411.655), Bình Dương (222.528), Đồng Nai (55.488), Long An (33.379), Tiền Giang (14.608).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11/10 là : 2.549 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 784.748
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 788
- Thở máy không xâm lấn: 145
- Thở máy xâm lấn: 668
- ECMO: 22
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 117 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét ghiệm
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.202.582 mẫu cho 56.174.649 lượt người.
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 54.279.564 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.698.136 liều, tiêm mũi 2 là 15.581.428 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 238.951.685 ca, trong đó có 4.871.690 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 214 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 83.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 11/10, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,18 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 60,47 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 54,35 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,03 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,46 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (258.636 ca nhiễm).
Chiều 11/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM họp báo định kỳ đánh giá tình hình dịch tại TP HCM sau 11 ngày áp dụng Chỉ thị 18.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết Sở đã có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19. Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị COVID-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị COVID-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết.
Về nhân lực y tế phục vụ khám chữa bệnh có bị thiếu không khi nhiều bệnh viện chuyển công năng sang điều tri COVID-19, thông tin tại cuộc họp cho biết 3 bệnh viện dã chiến (13, 14, 16) sẽ phải giữ lại để sẵn sàng các tình huống.
Đồng thời, Thành phố cũng tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 sau khi lực lượng chi viện rút. Theo tinh thần đó, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.
Được biết, ngày 7/10, TP có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch. Đến 8/10 có thêm huyện Bình Chánh. Đến nay, TP có thêm quận Bình Tân được đề nghị công bố kiểm soát dịch.
Như vậy, tính đến 11/10, toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện ở TP HCM đã đề nghị công bố kiểm soát được dịch theo quy định 3979 của Bộ Y tế.
Cần Thơ: Đồng loạt tiêm vaccine Vero Cell tại 9 quận, huyện
Ngày 11/10, TP Cần Thơ đã đồng loạt triển khai tiêm vaccine Vero Cell cho các đối tượng tại 9 quận, huyện trên địa bàn.
Trước đó, TP Cần Thơ đã tiếp nhận 150.000 liều vaccine Vero Cell để phân bổ cho các đơn vị thực hiện tiêm chủng. Số vaccine này nằm trong 500.000 liều vaccine Vero Cell do Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế phân bổ cho TP Cần Thơ theo quyết định 1210/QĐ-VSDTTƯ ngày 4/10/2021 về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 56.
TP Cần Thơ đã và đang sử dụng 4 loại vaccine được Bộ Y tế phân bổ gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell để tiêm cho các đối tượng theo kế hoạch.
Tính đến ngày 10/10, toàn thành phố đã thực hiện tiêm tổng cộng 407.323 liều vaccine.
Sau 24 ngày không có ca mắc COVD-19, trong 2 ngày 10 và 11/10, tỉnh Bắc Ninh bất ngờ phát hiện liên tiếp 5 trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây.
Ngày 11/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh 4 lần phát thông báo khẩn, tìm tất cả người từng đi/đến/ở/trở về từ các địa điểm sau:
1. Chợ cá đêm ở khu phố Nguyễn Giáo, phường Đồng Nguyên, Thị xã Từ Sơn từ 25/9 đến nay.
2. Khu vực bán cá, chợ cóc xóm Giữa và chợ cóc xóm Sổ, địa chỉ: khu Dương Ổ, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh từ ngày 25/9 đến nay.
3. Nhà ông bà Trường Nguyệt (sản xuất giấy), ngã ba đầu đường khu Cầu Tiên, xóm Sổ, Dương Ổ, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh từ 25/9 đến nay.
4. Trường mầm non Sao Mai, đường Lê Thái Tổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh từ 6/10 tới nay (phụ huynh cần đưa con em đang theo học tại trường đến trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm).
5. Chung cư Cường Thịnh, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh từ 6/10 đến nay.
6. Cửa hàng điện thoại Techboss, số 340 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, TP Bắc Ninh từ 8h-8h30 ngày 8/10.
7. Cửa hàng laptop Bắc Ninh, số 324 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, TP Bắc Ninh từ 9h30 đến 10h30 ngày 7/10.
8. Cửa hàng bún cá biển, số 64 Lê Văn Thịnh, khu 3, phường Suối Hoa (cổng chợ Suối Hoa), TP Bắc Ninh từ 8h30 đến 9h ngày 8/10.
9. Quán vịt quay Lạng Sơn, số 6 Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh từ 7h-8h ngày 11/10.
10. Cửa hàng mát xa Phúc Hương, tầng 4, siêu thị điện máy Anh Đức, số 45 Lý Thánh Tông, phường Tân Hồng, Thị xã Từ Sơn từ ngày 27/9 đến nay.
11. Nhà hàng trâu tươi Minh Hằng, số 46 Hai Bà Trưng, thị Trấn Lim, huyện Tiên Du từ 23h10 phút đến 23h23 phút ngày 10/10.
12. Quán ăn đêm bánh mì sốt vang, xôi thập cẩm Hằng Nga, số 700-702 Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh từ 0h - 1h ngày 9/10.
13. Cửa hàng điện thoại Táo Bắc Ninh, số 402 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, TP. Bắc Ninh từ 8h – 8h30 ngày 8/10.
14. Cửa hàng bún chả - bún cua - mỳ cua - bún cua bắp bò, số 47 Huyền Quang, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh từ 9h–10h ngày 7/10.
15. Cửa hàng bánh cuốn nóng Hai Lúa, số 45 Huyền Quang, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh từ 9h-10h ngày 7/10.
16. Cửa hàng kem và trà sữa MIXUE, số 32C Lý Thường Kiệt, thị trấn Lim, huyện Tiên Du từ 19h-20h ngày 7/10.
Người dân thuộc diện trên cần liên hệ ngay đến trạm y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ; cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình.