Đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản
Những ngày cuối tháng 9, dù chưa vào vụ thu hoạch, nhưng những người trồng cam tại Cao Phong đang rất sốt ruột về việc tiêu thụ cam những ngày tới khi dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2021, huyện Cao Phong có gần 2.000 ha cam, trong đó, hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng cam Cao Phong dự kiến đạt gần 20 nghìn tấn. Để chủ động tiêu thụ cam Cao Phong theo hình thức mới, giúp nông dân đảm bảo giá trị nông sản, phát triển kinh tế ngay trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ tháng 8/2021 Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương để lên kế hoạch chi tiết đưa cam Cao phong lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng bà con nông dân Cao Phong để tiêu thụ nhanh nhất với mức giá tốt nhất cho cả người bán và người mua. Việc đưa những trái cam Cao Phong có chỉ dẫn địa lý, đảm bảo chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử Postmart không đơn thuần chỉ là hỗ trợ người dân tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn, nhanh hơn mà còn nâng cao vị thế của loại trái cây quen thuộc này. “ Chúng tôi mong muốn sàn TMĐT Postmart.vn sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong việc tiếp cận trực tiếp với khách hàng thông qua môi trường số. Bưu điện tỉnh Hòa Bình sẽ đem trọn vẹn hương vị cam Cao Phong đến tận tay hành khách chỉ sau một click chuột đặt mua trên sàn TMĐT Postmart.vn”, Ông Hải chia sẻ. Đặt mục tiêu tiêu thụ 3.000 tấn cam Cao Phong qua sàn TMĐT Postmart.vn, hiện Bưu điện tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để hướng dẫn toàn bộ quy trình đưa sản phẩm lên bán trên sàn TMĐT. Sau buổi tập huấn đã có gần 50 nhà cung cấp tại huyện Cao Phong mở gian hàng và đưa gần 60 sản phẩm lên sàn Postmart.vn. 2,5 triệu hộ nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới Trước Hòa Bình, hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành phố khác cũng đã rất thành thạo để đưa các sản phẩm của gia đình lên bán trên sàn TMĐT Postmart.vn. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch 1034 về hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã lập tức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương để giúp người dân trên toàn quốc thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận phương thức kinh doanh mới - qua sàn TMĐT Postmart.vn. Để người nông dân chủ động đưa các sản phẩm của hộ gia đình vượt ra khỏi lũy tre làng hay không còn cảnh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, Bưu điện Việt Nam đã mở các chiến dịch hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT Postmart.vn, đặc biệt là các loại trái cây có tính mùa vụ ngắn ngày tại các “điểm nóng” về dịch bệnh. Chỉ trong hơn 2 tháng qua, hơn 80.000 hộ nông dân đã được Vietnam Post hỗ trợ lên sàn TMĐT Postmart.vn, qua đó tiêu thụ hơn 950 tấn trái cây, rau củ tươi các loại. Trong năm 2021, Vietnam Post cũng đặt mục tiêu sẽ đưa 2,5 triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT Postmart.vn. Không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn chi tiết cách lên sàn, Vietnam Post còn hỗ trợ các hộ gia đình đồng bộ các giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán… Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thông qua sàn TMĐT Postmart.vn, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn các nông sản vùng miền mà không còn lo ngại về không gian và thời gian hay sự an toàn trong dịch bệnh. Sàn TMĐT không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý vùng miền mà còn vượt qua cả dịch bệnh để đưa được hương vị tươi ngon nhất của các loại nông sản đến bàn ăn của từng gia đình. “Sàn Postmart.vn đã phát huy được những ưu thế vượt trội để người nông dân dù ở nông thôn hay miền núi từng bước chủ động đầu ra cho sản phẩm của mình trên môi trường số. Người nông dân chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối với intertnet thì bất cứ lúc nào cũng có thể bán hàng. Hộ sản xuất nông nghiệp càng tiếp cận sớm với cách bán hàng mới trên môi trường số thì việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ càng nhanh hơn. Đặc biệt, đây là sàn TMĐT do chính đội ngũ kỹ sư Công nghệ của Bưu điện Việt Nam phát triển phục vụ phát triển kinh tế số cho người Việt, phục vụ người Việt. Việc này giúp khẳng định sự tự chủ của chúng ta từ hạ tầng công nghệ đến kinh doanh thương mại, trực tiếp giải quyết những điểm nghẽn của TMĐT”, ông Chu Quang Hào nhấn mạnh. Để tạo thuận lợi cho người nông dân, thời gian tới sàn TMĐT Postmart.vn còn cung cấp đầy đủ các thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thông tin về dự báo thị trường, cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của từng hộ sản xuất nông nghiệp. Quét mã QR để mở gian hàng lên sàn Postmart.vn Nhằm hỗ trợ cho việc lập tài khoản trên sàn TMĐT Postmart.vn, mới đây Bưu điện Việt Nam đã áp dụng công nghệ quét mã QR giúp cho việc đăng kí của người dân được nhanh chóng, thuận tiện và bảo mật. Trước đây, người nông dân khi muốn đăng kí tài khoản trên sàn TMĐT Postmart.vn sẽ cần phải cung cấp các trường thông tin cho chuyên viên và thường sẽ mất 1 ngày để tài khoản được mở, tuy nhiên khi Bưu điện Việt Nam áp dụng việc tạo tài khoản bằng mã QR thời gian để tạo và cấp tài khoản đã được rút xuống chỉ còn 5 phút. Các hộ nông dân hiện chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR, điền đầy đủ các thông tin và gửi yêu cầu đi, hệ thống tạo mã của sàn TMĐT Postmart.vn sẽ ngay lập tức gửi tin nhắn vào số điện thoại của người nông dân để kích hoạt mã hoạt động và tài khoản sẽ được hoàn tất việc đăng kí. Với ứng dụng công nghệ này, Bưu điện Việt Nam đã rút ngắn đáng kể trong việc hỗ trợ đưa người nông dân lên sàn. Chỉ trong 3 ngày đầu tiên ra mắt, hệ thống cấp bằng QR code đã tạo được hơn 4.000 tài khoản cho các hộ nông dân. Xác định mục tiêu và hướng đi mới giúp đỡ cho bà con nông dân tiêu thụ nông sản phẩm, ổn định đầu ra cho sản phẩm và số hóa nông nghiệp, Bưu điện Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, hướng dẫn bà con nông dân từng bước tiếp cận với nền tảng số, cải tiến và sáng tạo hơn nữa những sản phẩm số thân thiện để bà con dễ dàng sử dụng.