Ở làng Đăk Đê (xã Rờ Kơi), A Nghĩu là một trong những người tiên phong vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông chia sẻ: Ban đầu mình làm gì có vốn mà trồng cao su, nuôi bò, nhờ có nhà nước hỗ trợ giống và vay thêm từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo mới có tiền để đầu tư. Hồi đầu mình vay có hơn chục triệu đồng, trả hết thiếu lại vay, cứ thế kinh tế khá dần lên, mình mới xây được nhà cửa.
Cũng như A Nghĩu, rất nhiều người dân trên địa bàn xã Rờ Kơi đều mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, cho con cái đi học. Nhờ đó, cũng đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn xã, chẳng hạn như năm 2016, đầu năm toàn xã còn 674 hộ nghèo thì đến cuối năm còn 569 hộ, giảm được 105 hộ nghèo.
Nhờ vốn vay ưu đãi ông A Nghĩu đầu tư trồng cây công nghiệp. Ảnh: T.H
Tại xã Hơ Moong, tính đến nay, toàn xã cũng đã có 1.245 lượt hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hiện tại trên 27 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã - A Thố, đây thực sự là “bà đỡ” cho các hộ nghèo; từ nguồn vốn vay này bà con đã đầu tư mua bò, trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Với hình thức cho vay tín chấp nên bà con không phải băn khoăn đến vấn đề tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng, mức lãi suất ưu đãi, tiền gốc được trả dần, do đó người dân không phải lo lắng nhiều, mạnh dạn vay vốn, trả nợ đúng hạn. Đặc biệt, chương trình tín dụng ưu đãi này đã hạn chế, chống được nạn cho vay nặng lãi.
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được khơi thông ở khắp các vùng quê trên địa bàn huyện Sa Thầy. Từ chỗ các tổ chức hội, đoàn thể mới nhận uỷ thác một chương trình cho vay hộ nghèo năm 2016, hiện nay đã thực hiện uỷ thác 14 chương trình tín dụng với quy mô ngày càng phát triển năm sau cao hơn năm trước. Nguồn vốn này thực sự trở thành nguồn lực "tiếp sức" cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống ổn định.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Sa Thầy, tính đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện là 213,345 tỷ đồng, tổng số hộ còn dư nợ là 10.378 hộ. Phần lớn hộ được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, mở thêm các nghề phụ tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.
Thông qua việc cho vay hộ nghèo, cận nghèo; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng đã được lồng ghép để tăng năng suất, thu nhập cho người nông dân; các hộ vay vốn được tập hợp và sinh hoạt theo tổ, từ đó giữa các thành viên có sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc. Điều đó đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương, toàn huyện hiện còn 32,88% hộ nghèo, giảm 7,42% so với con số 40,3% thời điểm đầu năm 2016.
Bên cạnh đó, toàn huyện có hơn 1.100 gia đình có con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có hoàn cảnh khó khăn nhờ chương trình vay vốn học sinh sinh viên đã giúp giảm bớt áp lực về trang trải học tập, tạo điều kiện cho con em yên tâm theo học; 4.066 hộ được cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - Y Sâm cho rằng: Ngoài những con số được thống kê, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thực sự đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, qua đây đã góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo các các cấp uỷ đảng, chính quyền, tạo ra động lực để người dân vươn lên xây dựng cuộc sống, thoát nghèo và từng bước làm giàu. Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thời gian tới, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; các tổ chức hội, đoàn thể sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi; khách quan bình xét nhu cầu, phương án vay vốn của hộ nghèo; cùng kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn, qua đó, nâng cao hơn chất lượng sử dụng vốn vay.
Với việc định hướng hợp lý trong phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giám sát chặt chẽ của các tổ uỷ thác, đầu tư hiệu quả của nông dân, nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Sa Thầy đã phát huy được hiệu quả cao, từng bước giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây có thể nói là “bàn đạp” giúp người nghèo, đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống./.