Ảnh minh họa
Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả hơn; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hiện cải cách hành chính toàn diện. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong cả thực tế triển khai và môi trường pháp lý, đồng thời cũng cần nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ số vào thực tiễn phát triển của Việt Nam. Những tồn tại, hạn chế về hoạt động cung cấp thông tin, môi trường pháp lý cung cấp thông tin, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, môi trường pháp lý cung cấp dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi phải có văn bản pháp lý thay thế cho Nghị định số 43/2011/NĐ-CP.
Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ra đời nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế ở trên, đồng thời cập nhật các nội dung mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, thực tiễn cung cấp dịch vụ số trong nước và quốc tế, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nói chung và mục tiêu Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội nói riêng. Trong đó, môi trường pháp lý tạo điều kiện để triển khai các định hướng lớn về cung cấp dịch vụ số của cơ quan nhà nước trong giai đoạn mới, cụ thể như: Cung cấp thông tin, dịch vụ số đa dạng, bất cứ lúc nào, bất cứ đâu và trên bất cứ phương tiện gì. Chỉ cung cấp một lần đối với dữ liệu yêu cầu người dùng cung cấp cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ số. Cung cấp dịch vụ số có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, an toàn bảo mật, được chuẩn hoá. Cung cấp dịch vụ số toàn trình được quản lý và giám sát. Tích hợp dịch vụ xung quanh nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Thay đổi văn hoá làm việc, thể chế để cung cấp kịp thời dịch vụ số của cơ quan nhà nước. Sản phẩm phần mềm dịch vụ số được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Cùng người dùng tạo dịch vụ số và tạo kênh số tương tác tích cực với người dân, doanh nghiệp. Tạo hệ sinh thái cung cấp dịch vụ số của cơ quan nhà nước.
Nghị định số 42/2022/NĐ-CP được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, đồng thời bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, thực tiễn cung cấp dịch vụ số trong nước và quốc tế; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bảo đảm các điều kiện cho việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường số được đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, thuận tiện, an toàn qua nhiều kênh số khác nhau; có sự tương tác tích cực hai chiều với người dân (bao gồm cả những người yếu thế) và doanh nghiệp. Bảo đảm cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước trên môi trường số, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước trên môi trường số theo nhu cầu một cách thuận tiện, đa kênh, đơn giản, an toàn và nhanh chóng. Bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nói chung và mục tiêu Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội nói riêng trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định hướng tới việc thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm của Đảng về thúc đẩy chuyển đổi số. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, định hướng cung cấp thông tin và dịch vụ của các cơ quan nhà nước trên môi trường số, phát triển chính phủ số trong giai đoạn mới. Tạo khung pháp lý toàn diện về cung cấp dịch vụ số, thông tin số của cơ quan nhà nước. Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới./.