Quảng Trị thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo

Thứ ba, 01/08/2017 16:34

Thời gian qua, các ngành, các cấp, địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu và hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo (theo Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020). Bên cạnh đó, các phong trào ‘’Ngày vì người nghèo’’ của UBMTTQVN và các phong trào tham gia giảm nghèo của hội, đoàn thể các cấp đã thu hút sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội chung tay, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

 
 
20170801-m21.jpg
 
Nhiều hộ nghèo ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị được thụ hưởng các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững
 
Trong năm 2016, toàn tỉnh đã cấp 178.779 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện 107,3 tỷ đồng. Quỹ “Khám chữa bệnh cho người nghèo” của tỉnh đã thực hiện hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và tiền viện phí cho 26.722 lượt người với tổng kinh phí hỗ trợ 8,35 tỷ đồng. Thực hiện miễn, giảm học phí cho 22.252 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí miễn, giảm hơn 5,5 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 35.460 lượt học sinh nghèo, với kinh phí hỗ trợ gần 13,5 tỷ đồng. Ngoài ra, học sinh ở vùng khó khăn còn được hỗ trợ tiền ăn, ở với kinh phí gần 3 tỷ đồng; học sinh khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ học bổng và dụng cụ học tập, kinh phí hỗ trợ gần 256 triệu đồng. Tạo điều kiện cho 24.682 lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, doanh số cho vay đạt 699,83 tỷ đồng. Hỗ trợ 611 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt (theo Quyết định số 48/2014/ QĐ-TTg, ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ), nâng tổng số hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão, lụt đến nay lên 1.644 hộ, với tổng nguồn vốn đã giải ngân 29.505 triệu đồng.  
 
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức 65 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn 1.625 vụ việc; tổ chức 13 lớp phổ biến, giáo dục và truyền thông về pháp luật cho 665 lượt người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì hoạt động của 81 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại cấp xã và tổ chức được 156 buổi sinh hoạt câu lạc bộ, với 2.960 người tham gia; tư vấn pháp luật cho 380 lượt người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các cơ sở dạy nghề, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 3.998 lao động nông thôn, tổng kinh phí thực hiện là 6,1 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ tiền điện, đến nay có 24.579 hộ nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí 13,57 tỷ đồng.
 
Về kết quả thực hiện các dự án giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện nghèo Đakrông 26 công trình (hoàn thành 19 công trình chuyển tiếp và xây dựng mới 7 công trình), như: Công trình nâng cấp và mở đường liên thôn, bản; trường học, y tế, thuỷ lợi nhỏ với 24.450 người dân được hưởng lợi (trong đó có 95% là dân tộc thiểu số). Hỗ trợ đầu tư xây dựng 19 công trình tại địa bàn 12 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ như: Đường liên thôn, liên xã, đường ra bến cá, nhà học tập, sinh hoạt cộng đồng thôn, xã, trạm y tế, trường học với tổng kinh phí thực hiện hơn 10,7 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất và thực hiện các chính sách đặc thù thuộc chương trình 30a tại huyện Đakrông với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 14,8 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư 74 công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc và miền núi với tổng nguồn vốn thực hiện gần 31,2 tỷ đồng.
 
Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản hệ thống hạ tầng cơ sở tại các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông đi lại, trao đổi hàng hóa, phát triển dịch vụ, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng 29 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa bàn các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng nguồn vốn hơn 8,3 tỷ đồng. Triển khai xây dựng 3 mô hình nhân rộng giảm nghèo tại 3 xã của huyện Hướng Hóa và Gio Linh, có 25 hộ nghèo tham gia mô hình (trong đó có 22 hộ nghèo dân tộc thiểu số) với nguồn vốn đã thực hiện 500 triệu đồng... Nhìn chung, nhờ được hưởng đầy đủ các chính sách, dự án giảm nghèo mà hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa bàn huyện nghèo Đakrông, các xã đặc biệt khó khăn ngày càng khang trang hơn, đời sống của người nghèo từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 của toàn tỉnh giảm 1,94% (từ 15,43% đầu năm 2016 xuống còn 13,49% cuối năm 2016).
 
Để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức và nội dung trong công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm của mình để tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh- quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng vùng, nhóm dân cư. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin.
 
Chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã cần tiến hành rà soát, xác định, phân loại từng nhóm hộ nghèo theo nguyên nhân để theo dõi, quản lý và đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia trong công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục huy động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh để thực hiện giúp đỡ về phát triển sản xuất và đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, thống kê, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo quy định. Tuyên truyền vận động các hộ dân cư trong thôn, bản và trên địa bàn góp vốn xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau./.
 
 
N.Trang - Hoàng Yến
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top