Nhằm giúp Quảng Bình thực hiện thành công các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân đề nghị Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể (về căn cứ, đề cương nội dung…) đối với việc xây dựng Quy định cụ thể về cơ chế phân cấp quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn và Quy chế sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp từ cộng đồng thực hiện các chương trình MTQG nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc xây dựng ban hành, tránh mâu thuẫn với các Luật và quy phạm pháp luật hiện hành.
Quảng Bình: Tập trung hoàn thiện các tiêu chí thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016-2020
Thứ tư, 15/11/2017 08:54
Thực hiện Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã dành sự quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạocác Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh cho đến cấp xã giai đoạn 2016-2020; tập trung và huy động mọi nguồn lực cho các chương trình MTQG; đề xuất nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình… tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; xử lý tốt các vấn đề nợ đọng. Đặc biệt, Quảng Bình đã chủ động đưa thêm tiêu chí và nâng cao hơn một số chỉ tiêu đã thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong vấn đề thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020.
Huy động mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các CTMTQG
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 442/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình công tác năm 2017 của Ban chỉ đạo TW các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020. Tỉnh đã kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối theo hướng dẫn tại Quyết định 1920/QĐ-TTg ngày 5/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2016-2020 từ cấp tỉnh đến cấp xã; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Ban chỉ đạo tại Quyết định số 105/QĐ-BCĐ ngày 22/8/2017. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã được kiện toàn lại theo Quyết định số 3724/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh về việc kiện toàn nhân sự Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi làm việc chiều ngày 1/1//2017 với Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng làm trưởng đoàn
Theo tinh thần quyết định trên, đối với cấp huyện: hiện Quảng Bình có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập và kiện toàn lại Ban chỉ đạo Chương trình, Văn phòng Điều phối theo hướng dẫn tại Quyết định 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cấp xã: 100% số xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và bố trí cán bộ theo dõi chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; trong đó có 12 xã bố trí cán bộ chuyên trách, 124 xã bố trí cán bộ kiêm nhiệm.
Sau khi TW ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh Quảng Bình đã kịp thời ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện các chương trình tại địa phương.
Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Quảng Bình đã huy động được 370,152 tỷ đồng (trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình là 322,652 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 12,4 tỷ đồng, đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 35 tỷ đồng); đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 131,931 tỷ đồng dành cho việc thực hiện các Chương trình MTQG.
Đến nay, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Quảng Bình có 1.925 tiêu chí đạt chuẩn, tăng 64 tiêu chí so với cuối năm 2016, đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí/xã so với cuối năm 2016 phân theo từng nhóm tiêu chí). Hiện toàn tỉnh có 43 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 31,1% số xã. Riêng đối với TP.Đồng Hới được công nhận là đơn vị hoàn thành xây dựng nông thôn mới với 6/6 xã được công nhận đạt chuẩn. Tỉnh phấn đấu năm trong năm 2017 có thêm 9 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 52 xã, đạt 38,2% tổng số xã trong toàn tỉnh.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,42% (chỉ tiêu đề ra giảm từ 2-2,5%), 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,0% đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 12% xuống còn 11%. Kết quả trên đã góp phần vào chất lượng tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Bình cũng đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2017 và các năm tiếp theo, cụ thể đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phấn đấu có 9 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (không còn xã dưới 5 tiêu chí), đến năm 2020 phấn đấu toàn tỉnh có 81 xã (chiếm 59% số xã của tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt trên 16,5 tiêu chí/xã; số xã dưới 10 tiêu chí chiếm dưới 25% tổng số xã trên địa bàn tỉnh (không còn xã dưới 5 tiêu chí không đạt).
Bên cạnh đó, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, tỉnh Quảng Bình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 2-2,5%, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình xác định cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chính sách đào tạo nghề; thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo…
Đẩy mạnh việc phân cấp và tăng quyền tự chủ cho cấp huyện, xã
Song hành với việc huy động mọi nguồn lực nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình tập trung tăng cường phân công, phân cấp cho cấp huyện, cấp xã nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới và Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương ”Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bên cạnh việc phân cấp, tỉnh Quảng Bình còn đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên; kiểm tra định kỳ và kiểm tra chuyên đề công tác xây dựng các tiêu chí nông thôn mới và công tác giảm nghèo của cấp xã, kiểm tra việc thụ hưởng chính sách giảm nghèo của nhóm đối tượng người nghèo, hộ nghèo. Đồng thời, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh phân công các sở, ngành ngoài việc phụ trách, hướng dẫn theo lĩnh vực chuyên môn, còn trực tiếp chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, các xã nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các sở được phân công định kỳ trực tiếp làm việc với các huyện, thị xã và các xã để nắm bắt tình hình và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, chủ động huy động thêm nguồn lực, bố trí lồng ghép nguồn vốn của đơn vị để hỗ trợ các xã; ...
Ông Lê Quang Lợi, chủ trang hồ tiêu cho thu nhập cao tại thôn Tân Định, xã Phú Định (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ cách trồng và chăm sóc cây hồ tiêu với đoàn công tác
Theo định hướng của Quảng Bình trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình đến năm 2020, đối với Chương trình xây dựng nông thôn: Tỉnh Quảng Bình tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Theo đó, Quảng Bình ưu tiên nguồn lực cho các xã đến 2020 đạt xã nông thôn mới; những xã tự nguyện và có phong trào xây dựng nông thôn mới, có khả năng sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời bố trí bảo đảm tiến độ thực hiện xoá đói giảm nghèo đối với các xã đặc biệt khó khăn.
Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Quảng Bình xác định giảm nghèo bền vững là một chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình, đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi, giúp đỡ các xã nghèo; Ban hành kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và từng giai đoạn. Tổ chức Hội nghị đánh giá công tác giảm nghèo năm 2016, giải pháp thực hiện năm 2017; bàn giải pháp giảm nghèo cho các xã nghèo; tổng kết 10 năm thực hiện đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời ban hành Quyết định số 816/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 cho các huyện, thị xã, thành phố....
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Bình vẫn đang gặp phải những khó khăn như: Chính phủ và các Bộ ngành TW ban hành quy định về định mức tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn 02 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 còn chậm nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân bổ vốn và thực hiện của các địa phương. Mặt khác, Trung ương đã giao Kế hoạch trung hạn nguồn ngân sách TW các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, so với thực tế triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, việc giao vốn trung hạn và các văn bản quy phạm pháp luật các Chương trình ban hành khá chậm nên địa phương gặp khó khăn trong xây dựng phương án phân bổ kế hoạch trung hạn và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cho Chương trình, cũng như triển khai thực hiện Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT ngày 14/02/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:
Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra; chỉ đạo đạt các tiêu chí không cần kinh phí, hoặc cần ít kinh phí để đạt như tiêu chí hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động rà soát lại tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới của TW và tỉnh ban hành giai đoạn 2016-2020 để xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, đặc biệt là tiêu chí hộ nghèo, thu nhập để có phương án, lộ trình triển khai kế hoạch thực hiện đạt theo yêu cầu.
Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (nhất là cán bộ xã, thôn, bản, cán bộ Hợp tác xã, chủ trang trại…) theo Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức giai đoạn 2016-2020. Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án khác với chương trình giảm nghèo, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.
Các Bộ, ngành sớm ban hành các Thông tư liên quan đến chương trình MTQG. Trong đó xem xét thống nhất, tích hợp và đồng bộ các Mẫu biểu báo cáo theo dõi, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia (như thống nhất mẫu biểu với Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020...) để tránh chồng chéo về nội dung, mẫu biểu cũng như giảm tải khối lượng báo cáo cho địa phương các cấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 về cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình MTQG theo hướng nới lỏng các tiêu chí áp dụng cơ chế đặc thù, phân cấp cho địa phương; Hướng dẫn thêm về thủ tục đầu tư nếu không áp dụng cơ chế đặc thù..../.