Phú Thọ: Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Chủ nhật, 24/09/2017 08:56

Từ ngày 5-1-2016, Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 (gọi tắt là QĐ 59) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu có hiệu lực. Đây được coi là "bảo bối" quan trọng để chúng ta giảm nghèo một cách bền vững. Thực tế, những năm qua cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản và toàn diện, tạo được sức mạnh tổng hợp tạo điều kiện cho người nghèo tự vươn lên xóa đói giảm nghèo (XĐGN), xây dựng xã hội phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn QĐ 59 đi sâu vào cuộc sống thì cần đến sự thay đổi lớn về phương pháp và nhận thức.

20170926-m2.jpg
Nhiều gia đình ở Thanh Sơn được hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn KHKT vào trồng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao nên đã mang lại hiệu quả kinh tế góp phần giảm nghèo bền vững.
 
Theo báo cáo, năm 2011 kết quả điều tra theo chuẩn nghèo được quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 71.431 hộ chiếm 20,34%. Sau 5 năm, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự lồng ghép các nguồn vốn (tổng kinh phí bố trí thực hiện của cả giai đoạn 2011-2015 đạt trên 1.196 tỷ đồng) đã giúp cho chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,89% (bình quân giảm 2%/năm) với 41.000 hộ thoát nghèo (vượt mục tiêu và về đích trước 1 năm). Có thể khẳng định rằng, với cơ chế, chính sách giảm nghèo của Chính phủ đã phát huy được hiệu quả, hợp lòng dân và đi vào cuộc sống góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối tượng thuộc hộ nghèo, người yếm thế, dân tộc thiểu số và đồng bào vùng khó khăn giúp đưa Phú Thọ cơ bản ra khỏi tỉnh nghèo, đạt các mục tiêu chương trình kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
 
Nhìn chung, với kinh phí đầu tư của chương trình và huy động từ các nguồn lực khác, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các tổ chức đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp các hộ nghèo có cơ hội vươn lên XĐGN, xây dựng cuộc sống ấm no. Tuy nhiên có một thực tế đang tồn tại ở các địa phương đó là sự chủ động của người dân trong việc tìm cách thoát nghèo còn rất hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Ông Bùi Đức Nhẫn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phân trần: “Một số cơ chế chính sách mang tính bao cấp kéo dài đã góp phần tạo ra tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng của một bộ phận người nghèo và xã nghèo. Họ không có ý thức tự thân vận động, chủ động với cuộc sống của chính họ. Một thực tế khác, có những địa phương mắc bệnh thành tích đã khống chế tỷ lệ nghèo đói thấp hơn thực tế. Điều này khiến công tác giảm nghèo càng gặp khó khăn do không xác định đúng đối tượng".
 
Bước sang giai đoạn mới, chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có những thay đổi mới bằng QĐ 59. QĐ này quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Với tiêu chí về thu nhập, QĐ quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, QĐ nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
 
Như vậy, với những quy định mới của QĐ 59 sẽ làm cho con số hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh ta thay đổi theo chiều hướng tăng lên. Nhiều hộ nghèo đã từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và thoát nghèo nhưng với mức tiếp cận các dịch vụ xã hội còn rất nhiều khó khăn sẽ khiến nhiều gia đình có nguy cơ tái nghèo. Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh năm 2016 cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,51% (tăng gần 3% so với chuẩn cũ), tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 8,03%. Việc chuyển từ xác định hộ nghèo theo thu nhập với cách tính bình quân sang cách xác định hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa ­­­chiều sẽ khắc phục được những hạn chế của cách làm cũ. Rõ ràng, tiêu chí trong QĐ 59 hoàn toàn mới đòi hỏi phải có phương pháp, nhận thức mới để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Chính phủ kỳ vọng khi áp dụng sẽ bảo đảm mức sống toàn diện hơn, không chỉ lo bữa ăn, lo áo mặc mà còn các yếu tố khác như: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhu cầu thông tin, điều kiện sống về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt... cho mọi người dân. Mục tiêu của tỉnh, giai đoạn 2016-2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
 
20170926-m3.jpg
Nhờ được vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tân Sơn đầu tư, chăn nuôi bò để tăng thu nhập cho gia đình.
 
Với mục tiêu trên, ngay từ năm đầu triển khai giảm nghèo đa chiều, các ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã từng bước tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững. Để chương trình giảm nghèo thực sự là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, theo ông Nhẫn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra một nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; dạy nghề cho người nghèo. Để những hộ này tiếp cận các dịch vụ xã hội, một loạt giải pháp được đưa ra, song phần lớn là tiếp tục duy trì chế độ bảo hiểm y tế, giáo dục, miễn giảm học phí, hỗ trợ về nhà ở và nước sinh hoạt. “Dù thành tích giảm nghèo của tỉnh ta nói riêng và của cả nước nói chung đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng các địa phương, ban, ngành không được chủ quan. Chúng ta mới giải quyết cơ bản cái nghèo lương thực, thực phẩm, còn cái nghèo về nhà ở, về đất canh tác, điều kiện sinh hoạt, kiến thức sản xuất, nghèo tri thức vẫn rất gay gắt”, ông Nhẫn thẳng thắn bày tỏ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì triển khai tốt các chính sách về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở cho hộ nghèo… Tuy nhiên, chính sách và các dự án giảm nghèo sẽ được triển khai theo hướng giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp để nâng cao ý thức, nỗ lực thoát nghèo của từng hộ. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính bền vững của chương trình, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ từng bước cải thiện và nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, tăng cường giải pháp chống tái nghèo.
 
Tại Hội thảo khoa học về giảm nghèo đa chiều bền vững các tỉnh khu vực Tây Bắc vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Các địa phương chỉ đạo chương trình giảm nghèo không được đứng rời một mình mà phải gắn với tất cả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng, trồng rừng, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân... Triển khai đồng bộ, có hệ thống các chương trình đảm bảo rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề lâu dài. Ngay cả khi chúng ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhưng giảm nghèo vẫn phải được quan tâm tổ chức thực hiện trước tiên – đó là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của chúng ta.
 
Nói về lộ trình của tỉnh, đồng chí Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Theo chỉ đạo của Chính phủ, chuẩn nghèo mới không chỉ tính về thu nhập mà còn cả vấn đề việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện tiếp cận thông tin... Do đó, cần xác định rõ mối quan hệ giữa việc hỗ trợ giảm nghèo có mục tiêu với việc lồng ghép các chính sách, chương trình thường xuyên. Mục tiêu của giai đoạn mới là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vì người nghèo, tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của người nghèo ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo ổn định và đa dạng việc làm, tăng thu nhập, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Nâng cao nhận thức, kiến thức cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với nhóm không nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà không nghèo về thu nhập thì sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận. Cần xây dựng một chiến lược an sinh xã hội tổng thể toàn diện, phân tách xong vẫn bổ sung cho công tác hỗ trợ giảm nghèo. Bên cạnh ý thức tự vươn lên của người dân, các cấp, các ngành chức năng cần ra sức vận động, khơi gợi tinh thần tương thân tương ái của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo, để công tác này trở thành phong trào rộng khắp, đảm bảo an sinh xã hội. Đó mới mang tính chiều sâu và phát triển bền vững”./.
Kim Chi
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top