Phát triển văn hóa đọc nơi biên giới Lai Châu

Thứ bảy, 16/09/2023 09:37

Phát triển văn hóa đọc nhằm nâng cao dân trí, góp phần xóa bỏ hủ tục, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với vai trò và tầm quan trọng ấy, tỉnh Lai Châu đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò của sách, tri thức; ý nghĩa của văn hóa đọc đối với sự phát triển của xã hội.

20231809-duy11.jpg

Ảnh minh họa

Đứng trước những khó khăn, bất cập bởi sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ; sự phát triển mạnh mẽ của internet khiến sách dường như bị bỏ quên trong một góc khuất nào đó; nhiều người không tìm đến sách nữa mà thay vào đó là những trò chơi, hay xu hướng thời đại hơn như Zalo, Facebook, Instagram..., văn hóa đọc cũng dần "ngủ quên" trong tiềm thức của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu... triển khai thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển sách, báo đến các đồn Biên phòng, các trường học, điểm bưu điện văn hóa xã; phối hợp tổ chức các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, vẽ tranh theo sách... Từ đó, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng như cung cấp các kiến thức về văn hóa, xã hội, y tế... đến với đồng bào các dân tộc, giúp bà con có được cuộc sống tốt đẹp hơn, hòa nhập được với quá trình phát triển không ngừng của thế giới nói chung và cả nước nói riêng.

“Tại mỗi điểm đến phục vụ và luân chuyển sách, báo, ngoài việc giao lưu, tặng sách, đoàn công tác của Thư viện tỉnh lai Châu còn hướng dẫn các cán bộ, chiến sĩ quản lý tủ sách của đồn Biên phòng, sắp xếp tủ sách khoa học, hợp lý; đồng thời khảo sát thực trạng nhu cầu bạn đọc sách, báo ở các đồn Biên phòng và nhân dân trên địa bàn để có kế hoạch phối hợp đầu tư xây dựng tủ sách cho giai đoạn tiếp theo đảm bảo phù hợp, hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Khắc Thái, Giám đốc Thư viện tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Việc luân chuyển sách, báo đến tủ sách các đồn Biên phòng cũng như các trường học, nhà văn hóa xã, bản đã góp một phần không nhỏ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng cao biên giới; nâng cao hiệu quả sử dụng sách, báo đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và thông tin giải trí của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đồng thời, chung tay xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở khu vực biên giới, làm cho dải biên cương Lai Châu trở thành tuyến văn hóa thực sự lành mạnh, phong phú.

“Từ việc cán bộ, chiến sĩ duy trì thường xuyên thói quen đọc sách, báo hằng ngày với trên 700 đầu sách đã thiết thực phát triển phong trào đọc sách, khám phá tri thức, hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Cùng với đó, các cán bộ, chiến sĩ có thể trao đổi, giới thiệu các tác giả, tác phẩm, các cuốn sách hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để lan tỏa đến đồng bào các dân tộc trên địa bàn” - Đại úy Nguyễn Hữu Thọ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu chia sẻ.

Để phát triển văn hóa đọc nơi biên giới, hằng năm, Thư viện tỉnh Lai Châu duy trì luân chuyển 3 đợt, với khoảng 9.000 bản sách về tủ sách và thư viện trường học và thư viện, tủ sách thuộc lực lượng vũ trang (Công an, Quân sự, Biên phòng), điểm Bưu điện văn hóa xã... Duy trì tổ chức 15 cuộc triển lãm sách, báo tại thư viện và 5-7 cuộc phục vụ lưu động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh Lai Châu.

Thư viện tỉnh Lai Châu cũng tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam 21/4; Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4; tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; Hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách”, Cuộc thi xếp sách nghệ thuật...; hướng dẫn nghiệp vụ, tặng sách cho các thư viện cơ sở, trường học và hỗ trợ các thư viện trường học trên địa bàn tổ chức cuộc thi xếp sách nghệ thuật trong khuôn khổ “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” hằng năm...

Cùng với đó, triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” từ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 17 điểm thuộc hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lai Châu với tổng số 150 bộ máy tính, 20 máy in, máy chiếu, máy scan; 12 điểm Bưu điện văn hóa xã tiếp nhận 60 bộ máy tính.

Việc tiếp nhận trang thiết bị thuộc dự án đã góp phần bổ sung phương tiện truy cập, tra cứu thông tin và làm quen với máy tính của nhân dân. Từ đó, thu hút được hàng chục nghìn lượt người tham gia đọc, nghiên cứu tài liệu, sách, báo, truy cập hệ thống máy tính kết nối internet phục vụ nhu cầu giải trí, tìm kiếm thông tin bổ sung kiến thức phục vụ giáo dục giới tính; truyền thống văn hóa; sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau phù hợp với thực tế của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát triển văn hóa đọc nơi biên giới Lai Châu đã có tác động tích cực, lan tỏa đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc nơi biên giới.

Nhật Minh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top