Ảnh minh họa
Những “bông hoa” từ cơ sở
Mường Tè là huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có các dân tộc đặc biệt khó khăn như Si La, Cống, Mảng, La Hủ. Toàn huyện có 6 xã biên giới (gồm Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ) và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để người dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảng viên nữ có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, bởi đa số phụ nữ là người tham gia trực tiếp. Những năm gần đây, Đảng bộ huyện Mường Tè luôn coi trọng công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhất là dân tộc thiểu số ít người khó khăn.
Pa Vệ Sủ là một trong những xã điển hình của huyện Mường Tè về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Đây là xã vùng cao biên giới, dân cư sinh sống không tập trung ở 12 bản, với 7 dân tộc anh em, trong đó, có 2 dân tộc định cư lâu đời là La Hủ (chiếm 94%) và Mảng (chiếm 4,5%).
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng... đặc biệt, đẩy mạnh việc phát triển Đảng vào các vùng xung yếu, các cơ sở còn ít đảng viên, nhiều năm nay, công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là nữ đảng viên người dân tộc thiểu số luôn được Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ quan tâm, chú trọng.
Đảng bộ xã Pa Vệ Sủ có 17 Chi bộ trực thuộc, với 182 đảng viên; trong đó, có hơn 80% đảng viên là người dân tộc thiểu số, 62 đảng viên nữ (chiếm 34% trong toàn Đảng bộ). Năm 2022, toàn xã kết nạp được 16 quần chúng nữ ưu tú vào Đảng. Năm nay, xã phấn đấu kết nạp 20 quần chúng nữ ưu tú. Tính đến hết tháng 8/2023, xã đã kết nạp được hơn 10 người. Đây là sự nỗ lực lớn trong công tác phát triển Đảng của một xã vùng cao biên giới khó khăn như Pa Vệ Sủ.
Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ Lý Mỹ Ly cho biết, xã có đặc điểm khi triển khai tuyên truyền về vấn đề gì, đa số chị em đến dự. Vai trò của chị em ngày càng được khẳng định trong tham gia phát triển trồng rừng, dược liệu, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, kế hoạch hóa gia đình… Do vậy, những năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số luôn được xã chú trọng và coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ủy.
Những năm gần đây, tỷ lệ nữ đảng viên người dân tộc thiểu số tại xã Pa Vệ Sủ ngày càng được nâng lên. Trong đó, nhiều đảng viên nữ đã và đang góp phần quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, trở thành tấm gương tiêu biểu cho bà con, chị em học tập, noi theo.
Gần 17 năm gắn bó với cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, với sự nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc, chị Giàng Gió Nu (dân tộc La Hủ) luôn được người dân trong xã quý mến. Chị Nu chia sẻ, 17 năm qua, với vai trò của một đảng viên và là người đứng đầu Hội Phụ nữ xã, chị thường xuyên sâu sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các hội viên. Để chị em nâng cao nhận thức, vị thế, vai trò trong gia đình và xã hội, chị Nu tranh thủ những ngày nghỉ hoặc vào buổi tối rong ruổi trên chiếc xe máy tới các hộ trong bản tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế, kế hoạch hóa gia đình, thực hiện mô hình 5 không, 3 sạch.
Ở địa bàn vùng biên giới, việc đi lại gặp nhiều trở ngại, đa số các cuộc họp được tổ chức vào buổi tối, vì ban ngày nhiều chị em đi nương, rẫy không ở nhà. Nhiều lúc tưởng chừng như muốn bỏ việc nhưng vì mong muốn chị em ngày một phát triển nên chị đã cố gắng, tận tâm với công việc. Không chỉ là phụ nữ năng động, nhiệt huyết, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ở địa phương, chị Giàng Gió Nu còn được biết đến là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã sống có trách nhiệm, gương mẫu trong mọi hoạt động, đóng góp tích cực vào công tác xã hội, công tác phát triển giới vì sự bình đẳng của phụ nữ.
Khó khăn trong tạo nguồn
Công tác phát triển đảng viên nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Mường Tè thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.
Mặc dù Đảng bộ xã Pa Vệ Sủ là Đảng bộ được Huyện ủy Mường Tè đánh giá cao trong công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số nhưng hiện nay việc tạo nguồn của xã đang gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, Pa Vệ Sủ là xã có gần 100% đồng bào dân tộc La Hủ, Mảng sinh sống, đa số học sinh nữ sau khi học xong phổ thông đều lập gia đình, có tư tưởng ngại giao tiếp, ngại tham gia vào các tổ chức.
Do đặc thù xã vùng cao biên giới nên việc làm cho thanh niên còn hạn chế. Hầu hết thanh niên nữ ưu tú sau khi học xong phổ thông sẽ đi làm việc tại các tỉnh, thành phố khác, gây khó khăn về nguồn nhân lực ưu tú để giới thiệu vào Đảng.
Thanh niên Lò Mé Lạ (người dân tộc La Hủ) ở bản A Mại, xã Pa Vệ Sủ chia sẻ, em sinh ra trong gia đình thuộc hộ nghèo, sau khi học xong em ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy và phát triển kinh tế. Thời gian qua, được tuyên truyền, vận động, em đã tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. May mắn, giữa tháng 8 vừa qua, em đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ Lý Mỹ Ly, khó tạo nguồn đảng viên nữ người dân tộc thiểu số đang là thực trạng chung tại các xã của huyện Mường Tè và khu vực miền núi. Khu vực này, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển đảng viên nơi đây.
Đảng bộ huyện Mường Tè hiện có 59 Đảng bộ trực thuộc với 3.918 đảng viên; trong đó có hơn 1.000 đảng viên nữ, chiếm 30%. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện kết nạp được 615 đảng viên; trong đó, có 272 đảng viên nữ (chiếm 44,2%) và 205 đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (chiếm 33,3%). Công tác phát triển đảng viên được Đảng bộ huyện Mường Tè đưa vào mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Giai đoạn 2020-2025, huyện phấn đấu mỗi năm phát triển 200 đảng viên. Tuy nhiên, do khó khăn trong tạo nguồn nên huyện chưa đạt được mục tiêu theo phấn đấu hàng năm.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè cho hay, khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở địa phương là việc tạo nguồn. Đây là “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở một số chi, đảng bộ khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới còn thấp. Nguyên nhân do những đặc điểm về giới và định kiến xã hội khiến phụ nữ dân tộc thiểu số luôn yếu thế trong gia đình, xã hội. Mặc dù những năm qua, Đảng bộ huyện tập hợp được khá đông phụ nữ tham gia sinh hoạt nhưng xuất phát từ tâm lý mặc cảm, phụ nữ chỉ lo việc ruộng đồng, nhà cửa nên hầu hết chị em người dân tộc thiểu số ít có tư tưởng phấn đấu vào Đảng. Còn phụ nữ trong độ tuổi thanh niên phần lớn rời khỏi nơi cư trú đi làm ăn xa nên công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên nữ trong huyện gặp khó khăn nhất định.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Ở các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, phụ nữ thường bị hạn chế về học tập, không có nhiều cơ hội phát triển, khẳng định bản thân. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở nhiều chi bộ trong huyện Mường Tè chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực, nghiệp vụ công tác Đảng của Bí thư Chi bộ, Chi ủy viên ở một số chi bộ nông thôn còn hạn chế, chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, dẫn đến chưa làm hết vai trò, trách nhiệm.
Trước khó khăn về tạo nguồn, Huyện ủy Mường Tè đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè cho biết, Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo vận động học sinh đồng bào dân tộc thiểu số theo học hết bậc Trung học Phổ thông nhằm nâng cao trình độ học vấn, nhận thức của thế hệ trẻ. Từ đó giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh, thiếu niên hiểu được tầm quan trọng của Đảng.
Huyện ủy tập trung xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên đối với từng chi, đảng bộ cơ sở theo từng năm, trong đó yêu cầu đảm bảo tỷ lệ đảng viên nữ, đảng viên người dân tộc thiểu số; phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tạo môi trường thuận lợi cho quần chúng nữ phấn đấu, khẳng định mình.
Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về Đảng cho phụ nữ, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, tạo niềm tin và động lực để quần chúng phấn đấu vào Đảng; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển đề án trồng dược liệu, trồng rừng, trồng quế, chăn nuôi gia súc nhằm thu hút thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Song song với việc tạo nguồn, Huyện ủy Mường Tè quan tâm đến chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng. Huyện ủy thường xuyên tổ chức sinh hoạt giao ban 2 cấp huyện và xã 2 tháng/lần để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời tháo gỡ; phân công ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn, cuối năm đánh giá chỉ tiêu gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành chỉ tiêu của xã.