Cán bộ Đài Truyền thanh xã Phúc Khánh kiểm tra thiết bị trước giờ tiếp sóng
Chúng tôi về thăm xã miền núi Phúc Khánh, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) trong những ngày dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh. Tiếng loa phát thanh vang vọng tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, huyện và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi khiến người dân chăm chú lắng nghe.
Ông Hoàng Kim Lương, khu Quang Trung, xã Phúc Khánh chia sẻ: Qua loa truyền thanh mà tôi nắm được các thông tin trên mọi lĩnh vực, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người nông dân như: Phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, phòng chống sâu bệnh cho cây trồng… Những thông tin được truyền tải qua hệ thống phát thanh ở khu dân cư không chỉ dễ hiểu, gần gũi mà còn rất hữu ích đối với người dân nông thôn miền núi chúng tôi. Nhất là trong đợt này, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn huyện, Đài truyền thanh xã đã thông tin kịp thời, chính xác địa điểm có dịch và những biện pháp phòng chống bệnh dịch để chúng tôi biết và thực hiện, không để dịch bệnh lây lan sang đàn lợn của gia đình.
Xã Phúc Khánh hiện có tổng số 14 khu dân cư, địa bàn rộng và chia cắt. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số. Ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết: Người dân trong xã chủ yếu vẫn sống bằng nghề nông nghiệp. Chính bởi vậy, việc tuyên truyền qua đài truyền thanh được chúng tôi xác định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và chỉ đạo sản xuất mùa vụ. Ngoài việc tiếp sóng 4 cấp, đài truyền thanh xã còn tự sản xuất các bản tin của địa phương để tuyên truyền đến bà con. Mặc dù hiện nay có nhiều kênh thông tin nhưng người dân trong xã vẫn thích nghe đài lắm. Hễ mà trục trặc kỹ thuật hay hỏng hóc mà “đài không nói” là bà con hỏi lý do ngay. Dù điều kiện xã còn khó khăn nhưng hằng năm chúng tôi vẫn dành một phần ngân sách cho bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo hệ thống đài truyền thanh xã luôn hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 277/277 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, trong đó có 189 đài sử dụng thiết bị truyền thanh vô tuyến (FM) chiếm 67%; 2.628/2.887 khu dân cư có loa truyền thanh hoạt động (đạt 91%).
Trong xu thế phát triển hiện nay, ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang có xu hướng thay hình thức tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở bằng các phương tiện hiện đại khác. Tuy nhiên, tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của phương tiện tuyên truyền này. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cùng với các kênh thông tin đại chúng khác, đài truyền thanh cơ sở đang tích cực đồng hành với chính quyền cơ sở trên tất cả các hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh. Làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa các nghị quyết, chính sách vào cuộc sống. Đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, miền núi, vai trò và tầm quan trọng của hệ thống này lại càng được khẳng định, nhất là trong việc thông báo các sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp thiên tai, bão lụt, phòng chống dịch bệnh…
Lớp tập huấn nghiệp vụ thông tin truyền thông cơ sở được Sở TT&TT
tổ chức hằng năm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền tại địa phương
Ông Hà Văn Quý - Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Yên Lập cho biết: Các đài truyền thanh xã có những ưu thế nổi bật là thông tin sát thực, cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu. Ngoài việc đề cập đến những nội dung gần gũi với đời sống thường nhật của người dân như chuyện nhà nông, thời vụ, tuyên truyền về những mô hình kinh tế hiệu quả, gương người tốt việc tốt thì các hoạt động quan trọng như bầu cử, các kỳ họp HĐND các cấp… cũng được tiếp sóng đầy đủ giúp người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của các sự kiện chính trị quan trọng này.
Bà Trần Thị Thu Phương - Phó Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Việt Trì cho biết: Dù ở khu vực thành thị, nơi các phương tiện thông tin hiện đại ngày càng phát triển thì cũng không thể phủ nhận vai trò của đài truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, việc bố trí các cụm loa phải làm sao cho phù hợp. Tại thành phố Việt Trì, chúng tôi đã rà soát và bố trí lắp đặt linh động, không cứng nhắc theo vị trí địa lý mà tính toán để đảm bảo các cụm loa hoạt động hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các phương tiện thông tin hiện đại ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên nhiều thông tin trên mạng xã hội, mạng internet với nội dung tiêu cực, không chính xác có thể ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, hành động của người dân. Cùng với các kênh thông tin chính thống khác, đài truyền thanh cơ sở càng phải được duy trì, phát huy hiệu quả bởi đây là kênh thông tin có sức ảnh hưởng, lan tỏa về cả bề rộng và chiều sâu, đến mọi thành phần, các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng núi, nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đảm bảo mức phụ cấp tương xứng cho đội ngũ cán bộ đài xã. Từ đó đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.