Bắt đầu 6 giờ sáng mỗi ngày, những thanh âm quen thuộc của loa truyền thanh tại chợ Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) lại vang lên. Bên cạnh chức năng thông báo tin tức về giá cả hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chợ…, thời gian này loa còn phát các thông tin về dịch Covid-19. Bà Trần Thị Gái, tiểu thương ở chợ Ea Tu cho biết, dù bán hàng ở chợ cả ngày, nhưng nhờ những thông tin phát trên loa nên bà và các tiểu thương trong chợ vẫn cập nhật thông tin khá đầy đủ về dịch Covid-19 cũng như cách phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tương tự, chị H’Yon Ê ban, buôn Krông A, xã Ea Tu cũng rất đồng tình với việc tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 qua loa truyền thanh. Chị H’Yon chia sẻ, hàng ngày phải loay hoay với việc nương rẫy và nội trợ, không có thời gian xem ti vi, đọc báo, song nhờ có loa truyền thanh của xã mà ngày nào chị cũng nghe được thông tin về tình hình dịch bệnh của cả nước và tại địa phương.
Mỗi ngày, các tiểu thương tại chợ Ea Tu đều tiếp cận thông tin về dịch Covid-19 qua tuyên truyền trên loa truyền thanh đặt ngay trong chợ. |
Không riêng TP. Buôn Ma Thuột, loa truyền thanh còn là công cụ tuyên truyền hữu ích tại các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hệ thống truyền thanh xã, phường được các địa phương nâng công suất hoạt động với mong muốn cung cấp cho nhân dân trên địa bàn những thông tin đầy đủ và những cập nhật mới nhất về tình hình dịch Covid-19, từ đó nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh này.
Theo ông Hà Văn Đức, thành viên ban biên tập của Đài Truyền thanh xã Ea Rbin - một xã vùng sâu của huyện Lắk, ngoài việc tiếp sóng chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh, huyện, thời gian qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, điều hành của xã về phòng chống dịch Covid-19, ban biên tập đã chủ động biên soạn nhiều tin, bài bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Êđê) để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Các nội dung được ưu tiên tuyên truyền là vận động người dân vệ sinh phòng dịch, tự giác khai báo y tế đối với người đi lao động ở các tỉnh, thành phố khác trở về, chấp hành cách ly y tế tại nhà đối với những người trở về từ vùng dịch… Qua đó giúp cho người dân trên địa bàn xã dễ nghe, dễ hiểu và nâng cao ý thức trong phòng chống dịch.
Loa truyền thanh lưu động tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cũng được nhiều địa phương triển khai để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến người dân. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Dưỡng, Phó Trưởng Phòng Thông tin, Báo chí và Xuất bản - Sở Thông tin và Truyền thông, để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai xây dựng 13 chương trình phát thanh tuyên truyền phòng, chống dịch chuyển cho 184 Đài cơ sở và 15 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện để phát sóng. Đồng thời chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin hướng dẫn ban biên tập Đài truyền thanh cấp xã xây dựng thêm các chương trình tuyên truyền phù hợp với từng địa phương để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ông Nguyễn Hoàng Dưỡng khẳng định: “Trong giai đoạn thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục khẳng định được tính ưu việt của mình so với các công cụ truyền thông khác tại các vùng nông thôn. Thông qua đó đã giúp người dân nắm rõ được tình hình dịch bệnh, các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế, động viên khích lệ người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch”.
“Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người, thì hệ thống loa truyền thanh cơ sở, với những bản tin ngắn gọn, súc tích, phát đi phát lại nhiều lần mỗi ngày đã và đang góp phần quan trọng trong việc chuyển tải thông tin, hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch Covid-19 hiệu quả” - Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột. |