Phường Trường Thi (thành phố Nam Định) lập chốt gác tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền được các cơ quan báo chí, các cơ quan chuyên môn và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện tích cực đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào đang sống ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch bệnh COVID-19 được tuyên truyền, thấm nhuần đến từng người dân. Các địa phương bố trí lực lượng “đi tận ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền về tình hình, tính chất cũng như cách phòng tránh dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận xã hội, đặc biệt là phương thức, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, vận động người dân tự khai báo và giám sát, phát hiện những trường hợp có nguy cơ để báo với cơ quan chuyên môn xử lý sớm. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng các chuyên mục “Phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; “Sức khỏe và cuộc sống” đăng tải gần 300 tin, bài, ảnh, phóng sự. Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động trực quan bằng hệ thống băng-rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích và 800 biển tuyên truyền phòng, chống dịch đặt trên các tuyến đường chính, khu công cộng, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi đông người qua lại. Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở thực hiện nghiêm việc tiếp sóng đài phát thanh ba cấp; đồng thời xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh bình quân phát từ 4-6 lần/ngày; tuyên truyền, thông báo đến người dân về tình hình diễn biến dịch cũng như cách thức phòng, chống dịch với tần suất tuyên truyền từ 2 đến 3 lần/ngày. Đến thời điểm hiện tại, theo quyết định của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và tiến tới “chung sống an toàn” với dịch, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện phương châm tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân; duy trì các biện pháp ngăn chặn kịp thời các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, đồng thời kiểm soát tốt tình hình từ bên trong, không để nảy sinh yếu tố bất ngờ. Trong đó, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan trước dịch bệnh, duy trì các biện pháp an toàn sức khoẻ, lối sống vệ sinh. Duy trì việc cập nhật thông tin về dịch bệnh tới cộng đồng; cung cấp các khuyến cáo của Bộ Y tế, kiến thức khoa học để giữ vệ sinh phòng, chống dịch, duy trì thói quen vệ sinh sau dịch bệnh để nâng cao sức khỏe cho mọi gia đình, mọi người dân. Yêu cầu người dân thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… Chia nhỏ từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn dân cư để quản lý dịch bệnh gồm: chăm sóc và bảo vệ sức khỏe an toàn, học tập an toàn, đi lại phải an toàn, sản xuất, kinh doanh an toàn, các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn, sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch an toàn. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục cụ thể hóa nội dung tuyên truyền chống dịch thành file âm thanh cho Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố để triển khai tuyên truyền xuống cơ sở. Duy trì chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở, của UBND các huyện, thành phố. Thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh về tình hình dịch bệnh trong nước và của tỉnh. Chủ động theo dõi, kiểm soát thông tin về công tác phòng, chống dịch trên mạng xã hội và việc các lực lượng chức năng xử lý các trường hợp đưa thông tin không đúng về dịch bệnh để mọi người dân nắm được và phòng, tránh. Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động trực quan bằng hệ thống băng-rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; lập chốt tuyên truyền cơ động tại các điểm công cộng và tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn để lưu ý mỗi người dân nên duy trì các biện pháp phòng, ngừa dịch sau khi nới lỏng giãn cách xã hội như: không tổ chức tiệc hay tập trung đông người; duy trì việc rửa tay thường xuyên; hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ lây nhiễm cao; hạn chế du lịch và nên đeo khẩu trang thường xuyên ở nơi đông người. Hiện tại khối các trường học đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh đảm bảo điều kiện cho con em mình như: kiểm tra thân nhiệt trước khi đến trường, chuẩn bị khẩu trang, bình nước ấm cá nhân và không sử dụng chung đồ dùng cá nhân khi tới trường. Đồng thời yêu cầu các ngành, các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc chuyên môn và giám sát xã hội khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Với sự vào cuộc chủ động đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh để người dân sau khi thực hiện giãn cách xã hội trở lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh như thường ngày nhưng tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh tiếp tục là biện pháp hữu hiệu trong chiến tuyến đấu tranh với dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh./