Chiều 19/3, Nguyễn Vũ Khánh Linh ngồi trước màn hình laptop trên gác xép ngôi nhà cấp 4, phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, chờ một cuộc gặp đặc biệt. "Chào Linh, cháu có đang hồi hộp không?", một giọng nói cất lên, theo sau là khuôn mặt tươi cười của chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình xuất hiện trên màn hình.
Nữ sinh lớp 11 sắp thành kỹ sư công nghệ trẻ nhất Việt Nam
Thứ ba, 24/03/2020 11:09
Chỉ trong 6 tuần nghỉ vì Covid-19, Khánh Linh đã hoàn thành một học kỳ đại học, dù đây là phần 'khó nhằn' nhất, thường phải 30 tuần mới học xong. Nữ sinh lớp 11 này đã lập kỷ lục học nhanh khi 20 tháng đã học xong 75% lộ trình của chương trình đại học công nghệ thông tin. Trong 41 ngày được nghỉ vì Covid-19, Linh đã kết thúc học kỳ 6, nhanh hơn 80% thời gian của các sinh viên thông thường. Quá trình học "thần tốc" của Khánh Linh khiến chủ tịch tập đoàn FPT ấn tượng và đã sắp xếp cuộc gặp mặt "chưa từng có trong tiền lệ".
Nữ sinh lớp 11 này đã lập kỷ lục học nhanh khi 20 tháng đã học xong 75% lộ trình của chương trình đại học công nghệ thông tin. Trong 41 ngày được nghỉ vì Covid-19, Linh đã kết thúc học kỳ 6, nhanh hơn 80% thời gian của các sinh viên thông thường. Quá trình học "thần tốc" của Khánh Linh khiến chủ tịch tập đoàn FPT ấn tượng và đã sắp xếp cuộc gặp mặt "chưa từng có trong tiền lệ".
Khánh Linh và mẹ trò chuyện qua mạng với chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Phan Dương.
Hai ngày trước khi biết sẽ được nói chuyện với chủ tịch tập đoàn FPT, cô nữ sinh lớp 11 trường chuyên Hạ Long, Quảng Ninh "vừa run vừa mong chờ". Linh thậm chí đã nghĩ đến một số kịch bản ứng phó. Song sau những câu hỏi thăm gần gũi, Linh hết căng thẳng.
Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, từ cấp một Khánh Linh đã được mẹ cho học online để tiết kiệm chứ không đi học thêm. Khi Linh học, mẹ ngồi cạnh hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc. Những bài nào không hiểu, mẹ Linh nhờ các thầy cô dạy online giảng cho mình, sau đó truyền đạt cho con.
Năm lên lớp 6 được mẹ mua cho chiếc laptop, ngoài giờ học Linh hay giải trí bằng game. Không như các bậc phụ huynh lo công nghệ "làm hại" con, bố mẹ Linh lại nhìn thấy con gái "có năng khiếu" với lĩnh vực công nghệ thông tin. "Một lần nghe mẹ nói về một nơi đào tạo cử nhân công nghệ thông tin từ xa. Nếu em học song song thì lúc tốt nghiệp cấp 3 cũng lấy được bằng đại học và đi làm luôn, trong em như có dòng điện xẹt qua, kích thích lắm", Khánh Linh nhớ lại.
Mẹ hứa nếu con đỗ trường chuyên sẽ cho học đại học. Mùa hè năm 2018, trên căn gác xép nóng như chảo rang, Linh ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính học chương trình nâng cao. Ngày biết tin đỗ, Linh nhào vào lòng mẹ rối rít: "Cho con học đi".
Cô bé đâu biết rằng suốt thời gian qua mẹ em cũng âm thầm tìm hiểu về chương trình đại học công nghệ từ xa của FUNiX. Chỉ chờ có vậy, hai mẹ con đăng ký ngành học kỹ sư phần mềm. "Từ lúc này mục tiêu của em là tốt nghiệp cấp 3 sẽ lấy được bằng đại học", Linh hạ quyết tâm.
Kiến thức ban đầu khá khó khăn với cô bé 16 tuổi. "Phần cài Spark - phần mềm để viết các dòng lệnh - đối với em như một tờ giấy trắng, em không hiểu gì", Linh cho hay.
Có những lúc chán vì không hiểu bài, song nhờ thói quen học online từ nhỏ, Linh không nản. Cô bé nghe đi nghe lại các bài giảng, viết ra giấy những gì bản thân chưa hiểu, rồi hỏi thầy cô và các anh chị đi trước. Có những vấn đề Linh bám thầy cô từ tối tới đêm để hỏi. Sau đó còn ngụp lặn trên các diễn đàn để học tập kinh nghiệm của các anh chị đi trước.
Trong căn nhà nhỏ mỗi tối mẹ Linh thích được ngồi cạnh xem con học. Còn bố thậm chí nghe điện thoại cũng chạy ra trước nhà để không phiền tới con. Mẹ của Khánh Linh, cô Thu Vân, công nhân nhà máy nước sạch chia sẻ: "Chiếc tivi đã mốc meo vì vợ chồng tôi không xem khi con đang vùi đầu vào sách vở".
Mất tới 6 tháng Linh mới hoàn thành học phần đầu. Từ các học phần sau, Linh đã quen thầy, bạn, cũng như không đợi điểm thi đã bắt đầu học sang chứng chỉ khác, nên chỉ cô bé chỉ học hết nửa thời gian thông thường. Khánh Linh liên tiếp giành được học bổng học nhanh ở các chứng chỉ từ 3 đến 6.
Khánh Linh sẽ hoàn thành chương trình kỹ sư IT năm 17 tuổi và nhận bằng đại học ngay khi tốt nghiệp cấp 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kỳ nghỉ vì Covid-19, Linh đã biến thành cơ hội cho mình. Cô bé dành 10 tiếng mỗi ngày để học chứng chỉ 6 - Chuyên viên hệ thống thông tin - với các kiến thức khá khó như Big Data. "Vì đã đặt mục tiêu nên phải quyết tâm thực hiện. Khi đạt được mục tiêu đề ra em rất vui, chứ không mệt gì cả", Linh nói. Hiện Linh chỉ còn chờ thi học kỳ 7 và làm đồ án, song song học chứng chỉ tiếng Anh và quốc phòng là sẽ hoàn tất chương trình đại học trong mùa hè này.
Thành tích của Khánh Linh khiến chủ tịch tập đoàn FPT thán phục: "Cháu có thể trở thành kỹ sư công nghệ trẻ nhất Việt Nam ngay khi tốt nghiệp cấp 3".
Trong cuộc gặp với vị chủ tịch tập đoàn công nghệ, Khánh Linh cũng chia sẻ mong muốn được đi làm ngay khi tốt nghiệp để có trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. "Cháu thích học tiếp thạc sĩ và ước mơ được ra nước ngoài làm việc", Linh hào hứng nói. "Là nước nào?", ông Bình hỏi. "Cháu thích nhất nước Mỹ, vì là quốc gia đa văn hóa và có nhiều người giỏi".
Chủ tịch tập đoàn FPT đã tặng bằng khen cho nữ sinh 17 tuổi. Ông cũng mời Khánh Linh làm việc tại bất cứ công ty thành viên nào thuộc FPT, cấp học bổng thạc sĩ và đảm bảo cô bé là "ứng cử viên đầu tiên" sang Mỹ làm việc nếu muốn.
Anh Trịnh Bá Tú, thầy giáo hỗ trợ Linh học giải tích và đại số tuyến tính ở học kỳ 6 chia sẻ thêm, thường môn toán đại học là kiến thức mở rộng chương trình phổ thông. Lúc biết Linh còn là học sinh, anh "bất ngờ và lo không biết có học được không". Nhiều kiến thức học sinh lớp 11 như Linh chưa được học, không ngờ khi học Linh nắm bắt rất nhanh. "Ngay cả kiến thức khó như phương pháp tích phân, tôi chỉ hướng dẫn qua một hai lần, cô bé đã học rất tốt", anh Tú nói về học trò đặc biệt nhất của mình.
Ngay khi hoàn thành chương trình đại học, Khánh Linh sẽ dành cả năm học tới cho kỳ thi THPT quốc gia và củng cố lại kiến thức IT. Hơn một tháng qua, Linh thường ngủ tới 8h mới dậy, sau đó bắt đầu vào học từ đó tới đêm. Xen kẽ, cô bé có những lúc vận động, nghỉ ngơi ngắn.
"Một trận game, đấu một ván cờ là em có sức học tiếp", nữ sinh nói.
Từ khoá: