Ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để thực hiện có hiệu quả phong trào trong giai đoạn 2012 - 2016, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội phổ biến kiến thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp và tổ chức 1.834 buổi tuyên truyền về phong trào với 117.995 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh tham gia. Thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú như: sinh hoạt Hội, nhóm và Câu lạc bộ nông dân; Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và in ấn, phát hành 26 nghìn cuốn Thông tin nông dân Lai Châu để phát cho cán bộ, hội viên, nông dân tham khảo và học tập. Cùng với đó, vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp nông - lâm - công nghiệp và dịch vụ để đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Kết hợp tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi bằng nhiều hình thức. Thường xuyên tổ chức cho hội viên, nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình thành công của tỉnh bạn…
Hội viên Hợp tác xã Hưng Thịnh (thành phố Lai Châu) chăm sóc đàn gia súc.
Trang bị kiến thức, nâng cao trình độ tay nghề cho cho hội viên, nông dân để phát triển kinh tế bền vững, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề các huyện và Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ mở gần 1.000 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và dạy các ngành nghề chủ yếu như: trồng trọt, chăn nuôi thú y, sửa chữa xe máy, kỹ thuật nuôi ong… cho gần 40 nghìn hội viên, nông dân. Phối hợp với Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức 56 hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón cho hơn 3.500 hội viên nông dân trong tỉnh và triển khai 22 mô hình trình diễn phân bán khép kín cho cây ngô, chè, lúa, rau màu.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 7 gian hàng tại các hội chợ thương mại tại tỉnh và các chương trình tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu như: chè Tuyết Shan, gạo séng cù, miến dong Bình Lư… Nhờ đó, thúc đẩy việc giao thương hàng hóa giữa các vùng, miền.
Giúp hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh và các cấp Hội hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng cho 785 hộ gia đình hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Kết hợp ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, các huyện cho hơn 20 nghìn hộ hội viên vay vốn, tổng dư nợ gần 64 tỷ đồng. Từ các nguồn lực hỗ trợ đã xuất hiện nhiều hợp tác xã, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hợp tác xã Hưng Thịnh (thành phố Lai Châu); nuôi lợn thịt tại xã San Thàng (thành phố Lai Châu) với số vốn 450 triệu đồng cho 15 hộ vay, qua một lứa xuất bán mỗi hộ thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng; nuôi trâu sinh sản tại xã Vàng San (huyện Mường Tè) với số vốn 500 triệu đồng cho 20 hộ vay mua 20 con trâu cái, sau gần 2 năm triển khai tổng đàn tăng thêm 15 con nghé. Một số điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi như: gia đình ông Lê Văn Sử (xã Mường Than, huyện Than Uyên), Vàng Văn Yên (xã Bản Giang, huyện Tam Đường)…
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vàng Văn Yên (hội viên nông dân xã Bản Giang) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhiều khi muốn phát triển kinh tế nhưng không có vốn. Đến năm 2013, nhờ Hội Nông dân xã tôi vay 25 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư đào ao thả cá. Được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc, cá sinh trưởng tốt, được người dân và thương lái ưa chuộng. Chỉ 2 năm sau đó, tôi đã trả hết nợ và có tiền đầu tư tiếp. Đến nay, ngoài nuôi cá, gia đình tôi còn trồng ngô, nấu rượu và làm đậu phụ để bán, mỗi năm thu về gần 70 triệu đồng, trở thành hộ khá giả của xã và là một trong 33 cá nhân được Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2016”.
Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thực sự phát huy hiệu quả, minh chứng cho điều đó là số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh, doanh giỏi tăng từ 2.462 hộ năm 2012 lên 4,013 hộ vào năm 2016. Người dân đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng./.