Năm 2007 là năm các đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tập trung cho việc triển khai thực hiện phương án chia tách Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn tỉnh, trong đó có Bưu điện tỉnh Lâm Đồng. Sự kiện này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của bộ phận Tổ chức thuộc các đơn vị. Với vai trò là Phó phòng Tổ chức - Cán bộ - Lao động Bưu điện tỉnh, được phân công nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện phương án chia tách (khối Bưu chính), chị Phạm Thị Ngọc đã khẩn trương tập hợp hồ sơ, tài liệu, triển khai toàn bộ các nội dung công việc, giúp Ban Lãnh đạo Bưu điện tỉnh thành lập bộ máy tổ chức quản lý sản xuất mới; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; xây dựng nội quy, quy chế, đảm bảo cho mọi hoạt động của Bưu điện tỉnh nhanh chóng đi vào ổn định, nề nếp ngay sau khi có quyết định thành lập.
Trong năm qua, chị cũng đã cùng với toàn thể cán bộ công nhân viên của Bưu điện tỉnh phát động phong trào thi đua các năm với các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ kế hoạch được giao, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của Tổng Công ty. Với vai trò là người lãnh đạo, chị đã quyết tâm hoàn thành mục tiêu chênh lệch thu chi trong năm 2013 và kinh doanh có hiệu quả trong các năm tiếp theo, với các chỉ tiêu cụ thể như: Doanh thu tính lương tăng trưởng trên 12 % sau khi loại trừ phần thu nợ cước viễn thông, công nghệ thông tin, giảm âm tối thiểu 50%, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người lao động trên 7% so với năm 2012. Bên cạnh đó, chị đã nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất; chủ động cùng Ban Giám đốc chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới tư duy, quan điểm, tạo sự chuyển biến, đột phá trong kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả cao nhất; chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phù hợp với đặc thù của đơn vị nhằm đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ hiện có; đồng thời tích cực, chủ động xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ về chuyển phát, tài chính bưu chính, thu hộ, chi hộ…, đảm bảo chi phí hợp lý, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng và hợp tác kinh doanh hiệu quả với các đối tác. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Bưu điện tỉnh luôn có sự tăng trưởng tốt qua các năm, tạo sự phát triển ổn định và bền vững cho doanh nghiệp trong tương lai.
Trong giai đoạn 2007 - 2012 đã có gần 200 sáng kiến, giải pháp thuộc các lĩnh vực quản lý, sản xuất kinh doanh của các tập thể, cá nhân Bưu điện tỉnh tham gia phong trào sáng tạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trong đó có 17 sáng kiến, giải pháp đạt giải cấp Tổng Công ty và Tập đoàn, đặc biệt có 01 giải pháp đạt giải Nhất, 01 giải pháp đạt giải Nhì và 01 giải pháp đạt giải Ba cấp Tập đoàn. Bản thân chị cũng đã tham gia chủ trì và đồng chủ trì 13 giải pháp, sáng kiến được công nhận từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có một số giải pháp, sáng kiến được Tổng Công ty đánh giá cao và phổ biến để các đơn vị thành viên nghiên cứu, tham khảo như: Triển khai hiệu quả mô hình Bưu điện khu vực tại Bưu điện tỉnh Lâm Đồng (Cấp Tập đoàn); Đánh giá sự hài lòng với tổ chức của cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh Lâm Đồng (Cấp Tập đoàn); Bố trí, sắp xếp lao động theo hướng tối ưu và nâng cao hiệu quả cơ chế khoán tiền lương tại Bưu điện tỉnh Lâm Đồng (Cấp Tập đoàn); Thiết kế và triển khai hiệu quả sản phẩm dịch vụ mới – Bảo hiểm hưu trí tại Bưu điện tỉnh Lâm Đồng (Cấp Tập đoàn); Tạo động lực mới từ cơ chế tiền lương (Cấp Tổng Công ty); Nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của Bưu điện tỉnh Lâm Đồng (Cấp Tổng Công ty)…
Căn cứ vào những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2007-2012, chị Phạm Thị Ngọc đã được xét trình phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc giai đoạn 2007-2012. Độc giả có thể xem báo cáo thành tích cá nhân của chị Phạm Thị Ngọc tại mục Lấy ý kiến nhân dân trên Website Bộ Thông tin và Truyền thông.