Nỗ lực giảm thiểu hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 23/09/2023 10:33

Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là bài toán khó, vẫn là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

20232309-duy7_1.jpg

Ảnh minh họa

Hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền nhưng phổ biến vẫn là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch Trần Hữu Sơn cho biết, hiện nay tỷ lệ kết hôn cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số qua các năm có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, phổ biến vẫn là hình thức kết hôn giữa con cô-con cậu; con dì-con già; con chú-con bác.

Kết quả điều tra về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%, giảm 0,9%0 so với năm 2014 (6,5%). Theo giới tính, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống năm 2018 của nam dân tộc thiểu số là 5,29%, giảm 1,26% so với năm 2014 (6,55%), và tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ dân tộc thiểu số năm 2018 là 5,87%, giảm 0,5% so với năm 2014 (6,37%). Các dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm: Mnông là 37,7%; La Chí là 30,8%; Bru-Vân Kiều là 28,6%; Cơ Tu là 28,4%; Lô Lô là 22,4%.

Thực tế trong những năm gần đây, tình trạng kết hôn cận huyết thống của người dân tộc thiểu số trong cả nước đã giảm. Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao năm 2014, đến năm 2018 đã không còn tình trạng này như: Mạ, Mảng, Cơ Ho, Kháng, Chứt.

Hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ông Trần Hữu Sơn chia sẻ: "Hôn nhân cận huyết thống không được ủng hộ bởi những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sức khỏe các thế hệ con cháu. Ngoài ra, hôn nhân cận huyết thống là vi phạm các điều kiện về Luật hôn nhân. Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại rất nặng nề.

Những đứa trẻ sinh ra có tuổi thọ không cao, sức đề kháng kém, có thể sống mòn vì những di chứng từ hôn nhân cận huyết... Những hệ lụy này không chỉ gây ảnh hưởng hớn đến chất lượng cuộc sống mà còn làm suy giảm sức khỏe của thế hệ con cháu, gây suy thoái giống nòi, ảnh hưởng xấu tới quy mô và chất lượng dân số; gia tăng tỷ lệ bệnh tật, đói nghèo, thất học; gây ra những khó khăn nhiều mặt cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, còn ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

"Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống là rất cao, gấp 3 lần so với những người bình thường. Còn tỷ lệ trẻ em bị dị tật còn cao hơn nữa, gấp khoảng 5 đến 6 lần" – ông Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Trước thực trạng đó, để ngăn chặn những hậu quả xấu do hôn nhân cận huyết gây ra; duy trì sự phát triển về thể lực, trí tuệ của các thế hệ sau, bảo tồn những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp trong gia đình các dân tộc Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch cho rằng: "Cần phải tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các cấp. Nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống hôn nhân cận huyết thống. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền trực tiếp người dân bằng các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động tuyên vận, hòa giải, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Xây dựng các mô hình điểm hướng tới mục tiêu không hôn nhân cận huyết thống để học tập, nhân rộng, thu hút người dân tham gia thực hiện. 

Đặc biệt, xử lý nghiêm các vi phạm về hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong việc phòng, chống hôn nhân cận huyết thống đảm bảo kịp thời, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm".

Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là bài toán khó. Nhưng tin rằng, với sự nỗ lực qua công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu, sát và lâu dài của các cơ quan quản lý Nhà nước, tình trạng này sẽ dần giảm thiểu, đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số./. 

Thương Nguyễn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top