Nỗ lực giảm nghèo (Bài 2): Phó Chủ tịch xã giúp bà con thoát nghèo

Thứ hai, 11/09/2017 08:46

Đến xã vùng cao Huy Tường (huyện Phù Yên, Sơn La) có thể thấy những đổi thay rõ rệt với những căn nhà khang trang hơn, những ao thả cá xanh mát, đàn vịt kêu càng cạc, đàn lợn ủn ỉn khắp các thôn… Đây là kết quả của những nỗ lực thoát nghèo của người dân và chính quyền nơi đây, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Phó Chủ tịch xã Vì Văn Hân.

Đội viên Dự án thí điểm đưa trí thức trẻ về huyện nghèo
 
Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch uỷ ban Hội Thanh niên Việt Nam xã Huy Tường Vì Văn Hân (sinh năm 1983, người dân tộc Thái, huyện Mai Sơn, Sơn La) vốn là đội viên của Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ  ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo. Tại hội nghị tổng kết Dự án vừa được tổ chức ở Hà Nội, người cán bộ xã trẻ cũng có mặt và được tuyên dương đội viên tiêu biểu của Dự án.
 
Chia sẻ với chúng tôi, anh Vì Văn Hân cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ thông tin (TP.HCM) năm 2009, anh trở về quê và làm việc tại thư viện tỉnh Sơn La với công việc quản lý trang web và bảo tồn sách Thái cổ của người dân tộc Thái. Khi nghe tin có Dự án, anh đã đăng ký tham gia và được cử về làm Phó Chủ tịch xã Huy Tường từ năm 2012.
 
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh đã chứng kiến cảnh bố mẹ lao động, sản xuất nông nghiệp mà không biết áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nên năng suất thấp khiến anh luôn trăn trở. Nay với cương vị Phó Chủ tịch xã, trước cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, chưa biết tận dụng điều kiện tự nhiên vốn có để phát triển sản xuất nên người thanh niên trẻ quyết tâm tìm mọi cách để giúp bà con thoát nghèo. Không ngồi bàn giấy, đút chân gầm bàn mà Hân xuống cơ sở, ăn ngủ với bà con để nghiên cứu, tìm hiểu bà con có những lợi thế gì, còn thiếu gì và cần thay đổi như thế nào... Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, các cấp lãnh đạo, và tận dụng các chính sách hỗ trợ, chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cũng như các tổ chức phi chính phủ, từ năm 2012, toàn xã đã tổ chức được hơn 100 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi cho bà con, có năm tổ chức được 30 lớp.
 
“Mỗi người đi tập huấn đều được tiền hỗ trợ, nhưng tôi bàn với bà con dùng số tiền ấy để mua các cây, con vật để thực hành ngay trên lớp. Chính vì thế bà con vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành nên mở mang được nhiều kiến thức, và rất hứng thú đi học”, Phó Chủ tịch xã Huy Tường chia sẻ.
 
Không chỉ tại các lớp tập huấn mà với tất cả các kế hoạch, chương trình giảm nghèo, xã Huy Tường đều chủ trương không hỗ trợ bằng tiền mặt mà hoàn toàn bằng con giống, vật nuôi, thức ăn, phân bón... làm động lực để bà con tập trung sản xuất chăn nuôi. Nói về khó khăn khi vận động người dân tham gia sản xuất, thoát nghèo, Vì Văn Hân cho biết, bà con chỉ quen với hình thức canh tác cũ nên khi áp dụng cái mới thì sợ rủi ro, sợ không thành công – đó là những rào cản để thay đổi thì tập quán. “Lúc đó, bà con nói chúng tôi làm thế thì có sao? Nên chuyện tưởng đơn giản như vận động bà con chăn nuôi thả rông đến nhốt chuồng cũng khó khăn”, anh Hân nói.
 
20170911-m03.jpg
 
Phó Chủ tịch xã Vì Văn Hân thường xuyên ở cơ sở để giúp đỡ, hỗ trợ bà con
 
 “Đánh thức” ý thức thoát nghèo của bà con
 
Để bà con noi theo thì phải có cán bộ gương mẫu. Nhận thấy lúc đó nhà Bí thư Đảng ủy xã Cầm Mạnh Liêu đất rộng nhưng toàn sắn nên người cán bộ trẻ đã mạnh dạn động viên để cấp trên của từ bỏ trồng sắn, thay vào đó là rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi. Dù vẫn chưa tin hẳn nhưng là người đứng đầu xã nên Bí thư Liêu cũng sẵn sàng nghe theo và thực tế sau đó đã đạt những kết quả, năng suất hơn hẳn. Thấy vậy, người nọ mách người kia, dần dần đã “đánh thức” được ý thức thoát nghèo của người dân, mỗi người áp dụng phương thức mới trở thành tuyên truyền viên cho người khác, dần dần mọi người đều đua nhau thay đổi giống cây trồng, vật nuôi để có sản lượng cao.
 
Qua tìm hiểu, anh Hân nhận thấy trồng nghệ đen phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã nên đã thử nghiệm trồng 2ha  từ vốn xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ bà con giống, phân bón, đảm bảo giá tiêu thụ bằng giá thị trường cộng 1 (giá thị trường + 1.000 đồng/kg), nhưng không được dưới mức tối thiểu là 6.000 đồng/kg. Đến nay, tổng diện tích trồng nghệ đen của toàn xã đã lên đến 8ha. Toàn xã Huy Tường có 75ha ruộng, nhưng trong đó 25ha là diện tích đất trồng bấp bênh vì lượng nước không ổn định, Hân lại vận động bà con bỏ lúa để trồng ngô, kết quả giá trị thu hoạch ngô cao gấp đôi so với trồng lúa.
 
Năm 2013, hồ Suối Hòm của xã được nâng cấp, tu sửa để tích nước phục vụ tưới tiêu cho nhân dân trong xã mở ra cơ hội để phát triển kinh tế trên diện tích mặt hồ như chăn nuôi thủy cầm, thủy sản... Nhận thấy việc chăn nuôi thủy cầm, thủy sản ở nhiều địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời là cơ hội  để thay đổi phương thức canh tác từ nhỏ lẻ sang xây dựng mô hình kinh tế hàng hóa có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, sau hơn một năm tự nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm tham mưu cho cấp ủy chính quyền xây dựng đề án “Mô hình thử nghiệm chăn nuôi giống vịt trời thuần dưỡng” tại hồ Suối Hòm.
 
Được sự ủng hộ của Cấp ủy, chính quyền xã và lãnh đạo UBND huyện Phù Yên, dự án được phê duyệt với tổng kinh phí là 154.700.000đ, Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam xã Huy Tường đã vận động thêm 79 triệu đồng từ 10 hộ gia đình là hội viên Hội Thanh niên tham gia góp vốn cùng thực hiện mô hình. Mô hình được xây dựng bài bản và quy mô với sự tham gia tích cực của các gia đình Hội viên, ngoài chi phí xây dựng chuồng trại, đầu tư 2.000 con giống, trên 80.000.000đ tiền thức ăn, 20.000.000đ tiền thuốc phòng dịch bệnh. Tận dụng nguồn cá, tép sông rất phong phú và rất rẻ từ các xã lân cận, Vì Văn Hân đã tự chế máy ép thức ăn cho vịt với công thức cứ 2 tạ ngô, thóc thì trộn với 20 đến 40 kg cá, tép sông. Hỗn hợp này sau khi đưa vào máy ép thành viên, phơi khô thì để được 4 - 5 ngày. Tính ra, chi phí mỗi kg thức ăn viên tự làm là 7.200 đồng, nếu mua ngoài thị trường là 10.000 đồng, chất lượng không đảm bảo bằng gia đình tự chế biến. Sau 4 tháng, lứa vịt đầu tiên đã được xuất chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
 
Năm 2014, nhận thấy cần phải mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con, Phó Chủ tịch xã Vì Văn Hân lại vận động thành lập Hợp tác xã và liên kết hợp tác với các HTX khác để tiêu thụ sản phẩm sạch. Nhờ đó, sản phẩm vịt trời Suối Hòm đã có mặt tại nhiều nhà hàng, khách sạn, trên địa bàn huyện, thành phố Sơn La, và các địa phương khác. Đến nay mô hình nuôi vịt trời đã cho tổng thu nhập trên 300.000.000đ/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hai lao động thu nhập bình quân 3.000.000đ/tháng, đem lại thu nhập ổn định cho 10 hộ gia đình hội viên góp vốn trên 2.000.000đ/hộ/tháng.
 
Không những vậy, để tận dụng lượng thức ăn dư thừa khi cho vịt ăn, xã Huy Tường còn đầu tư nuôi cá lăng, cá trê ở tầng đáy hồ, sau 3 đến 4 tháng lại xuất cá ra thị trường giúp nhiều gia đình thu thêm một nguồn lợi nhuận không nhỏ. Bên cạnh đó, xã cũng liên hệ với nhiều doanh nghiệp có trên địa bàn để đào tạo, hướng nghiệp cho lao động dư thừa của xã. Ban đầu, năm 2012 chỉ có 60 người là công nhân, nhân viên nhưng đến nay đã có 468 công nhân, mang đến thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người.
 
20170911-m04.jpg 
 
Vịt trời hồ Suối Hòm đã giúp bà con phát triển kinh tế, có chỗ đứng trên thị trường
 
“Nhìn bà con khóc tôi cũng muốn khóc theo”
 
Bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực thoát nghèo cho bà con mà từ khi về làm Phó Chủ tịch xã Huy Tường đến nay, số hộ nghèo trong xã đã giảm rõ rệt từ 48,9% xuống còn 34,6%. Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những hộ sản xuất giỏi như gia đình ông Cầm Văn Vĩnh (bản Muống Thượng) nuôi lợn giỏi, gia đình ông Đinh Công Xuẩn (bản Tân Lương 1) nuôi vịt giỏi, gia đình ông Cầm Xuân Trường (bản Cóng), gia đình ông Cầm Văn Điệng (bản Muống Thượng) chăn nuôi đại gia súc giỏi... với thu nhập trung bình 10.000.000 đồng/tháng.
 
Thành công như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thậm chí là những thất bại. Nhớ về thất bại của mình năm 2014, Vì Văn Hân vẫn còn tự giận bản thân và đau xót, nhưng coi đó là bài học cho mình. Sự việc xảy ra khi thành lập hợp tác xã, anh vận động được 8 gia đình chăn nuôi tập thể giống gà đen (gà Mông). Tổng số gà đợt đó là 500 con, sau vài tháng thì gà được xuất chuồng với giá bán lãi tốt.
 
“Thừa thắng xông lên”, Vì Văn Hân liên hệ với ngân hàng chính sách để mỗi hộ được vay thêm 20 triệu đồng, nuôi tất cả 4.000 gà đen. Tuy nhiên, trong một lần thả gà thì trời mưa to, chúng không tự chạy về chuồng nên bị ướt hết. Vài hôm sau thì gà bắt đầu ốm và chết, bác sĩ thú ý đến thăm khám và cho rằng gà bị bệnh đường ruột và cho kháng sinh, nhưng sau đó, gà tiếp tục chết cho đến khi không còn con nào. Mãi về sau, các chuyên gia cho biết gà bị bệnh Ma- đếch, một loại bệnh chưa được khuyến cáo trong thú y.
 
“Trước tình trạng gà chết không còn một con, bà con khóc ròng vì tiếc của và nợ ngân hàng. Nhìn bà con khóc tôi cũng muốn khóc theo mà không biết phải làm thế nào”, Vì Văn Hân ngậm ngùi chia sẻ. Để giúp đỡ bà con, anh đã liên hệ để ngân hàng đáo hạn nợ lên 3 năm, sử dụng nguồn kinh phí khác để đầu tư cho bà con nuôi lợn, gà, tái sản xuất, dần dần bà con cũng trả được hết nợ, trong đó có một số hộ còn phát triển hơn. Với anh Hân, đây cũng là bài học to lớn vì khi chưa tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức thì không nên để bà con nuôi, trồng số lượng quá nhiều.
 
Tấm gương tiêu biểu của Phó Chủ tịch Vì Văn Hân đã tạo nên những hình ảnh đẹp về một thế hệ thanh niên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, xung kích trong phát triển kinh tế, giúp đỡ thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Kết thúc Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ  ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo,  Vì Văn Hân tiếp tục được tín nhiệm và chính thức giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã. Ở cương vị này, anh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi “sự nghiệp” thoát nghèo cho bà con với dự định mở rộng diện tích trồng nghệ đen lên 20ha vì thị trường đang ổn định, thay đổi phương thức sản xuất tại các nương rãy, đồi dốc bằng các loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng như xoài Đài Loan, nhãn chín muộn.../.
Quỳnh Hoa
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top