Đắk Lắk là địa bàn có dân số đông, lượng người đi và đến nhiều, đặc biệt có đường biên giới dài nên việc kiểm soát dịch bệnh ngay từ ban đầu khi chưa có dịch là vô cùng quan trọng. Để thực hiện nhiệm vụ này, hơn 2 tháng qua, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ dự phòng làm việc không kể ngày đêm, giờ giấc. Họ gần như không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật hay nghỉ lễ, điện thoại trực 24/24 giờ, luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động nhằm thực hiện tốt công tác giám sát, điều tra tiền sử bệnh tật, nắm bắt thông tin, có mặt kịp thời và xử lý nhanh gọn các tình huống khi có người về từ vùng dịch hay tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh.
Cán bộ Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) lấy mẫu máu xét nghiệm cho một trường hợp đi về từ vùng dịch. Ảnh: Quang Nhật |
Đã 24 năm gắn bó với công tác dự phòng, bác sĩ Trần Kim Long, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) hiểu hơn ai hết những vất vả trong nghề. Bác sĩ Long tâm sự: “Không riêng gì dịch bệnh Covid-19 mà khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát sinh, dù ở bất cứ đâu, những y, bác sĩ làm công tác dự phòng phải lập tức đến để tìm hiểu và điều tra dịch tễ. Chúng tôi là những người đầu tiên và trực tiếp có mặt tại nơi phát hiện dịch bệnh, vừa điều tra ca nghi nhiễm bệnh vừa điều tra những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh. Nếu có yếu tố dịch tễ, ngay lập tức chúng tôi lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn, tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin, biết cách phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Covid-19 là bệnh truyền nhiễm mới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mức độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao nên công việc của chúng tôi càng áp lực”.
Bên cạnh đó, gặp nguy hiểm và rủi ro không kém là đội ngũ cán bộ y tế làm công tác xét nghiệm. Những ngày này, đội ngũ những người làm công tác xét nghiệm cũng luôn trong tư thế sẵn sàng. Chỉ cần có chỉ đạo lấy mẫu trường hợp bệnh nhân nghi mắc Covid-19 là không quản ngày đêm họ cùng với bộ phận chuyên môn đi lấy mẫu bệnh phẩm, nhanh chóng chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để làm xét nghiệm với mục đích duy nhất là làm thế nào có kết quả xét nghiệm chính xác nhất, phục vụ cho việc khẳng định tình trạng bệnh, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị có những quyết định, tham mưu hiệu quả cho công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Phải tiếp xúc với những người có thể đã mang mầm bệnh để lấy mẫu, chỉ cần lơ là, chủ quan và bất cẩn một chút thì nguy cơ lây bệnh và mang mầm bệnh về nhà là rất lớn.
Chị Trần Thị Nguyên Hằng (Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) là người tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi nhiễm để lấy mẫu máu và mẫu dịch hầu họng đưa đi xét nghiệm. Chị Hằng bộc bạch: “Công việc nguy hiểm, có nguy cơ cao lây nhiễm như vậy mà nói không lo lắng, không sợ sệt là không đúng. Nhưng với trách nhiệm của nghề, tôi và các đồng nghiệp luôn dặn nhau phải thật sự cẩn trọng, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế từ khâu lấy mẫu đến bảo quản và vận chuyển để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất”.
Phun khử khuẩn xe chở những trường hợp về từ vùng dịch được đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Quang Nhật |
Cùng với lực lượng trực tiếp tiếp xúc với các đối tượng nghi nhiễm, các mẫu bệnh phẩm thì đội ngũ làm công tác khử khuẩn cũng vất vả không kém. Từ khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, đội phun khử khuẩn của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột phải hoạt động hết công suất. Chiếc máy phun thuốc với kích cỡ lớn, nếu tính luôn cả bình và thuốc thì người phun phải vác trên vai khoảng 25 kg. Mỗi khi máy chạy, độ rung của chiếc máy tạo nên một áp lực đè xuống vai. Thuốc từ trong bình phun ra tạo nên một lực đẩy ngược trở lại tay nên điều khiển máy phun đúng hướng là chuyện không hề dễ dàng. Công việc nặng nhọc lại đối mặt với hóa chất độc hại, thế nhưng khi hỏi về khó khăn trong nghề, những cán bộ này không kể khó, kể khổ mà rất lạc quan, mong ước đơn giản của họ chỉ là mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Là đơn vị trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các y, bác sĩ hệ dự phòng đã vượt qua những lo lắng, nguy cơ lây nhiễm để lăn xả vào công việc; ngày đêm tìm mọi biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sao cho đạt hiệu quả nhất. Dù phải đối mặt với gian khổ, nguy hiểm nhưng cán bộ y tế dự phòng vẫn kiên trì, tích cực trong công việc. Đó là sự hy sinh, sự cống hiến rất lớn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn”./.