Ảnh minh họa
Các đại biểu đã tham luận, chia sẻ một số kinh nghiệm trong các hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; giải pháp tiếp cận thông tin thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm địa phương cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; chia sẻ về hoạt động của mô hình sinh kế Tổ hợp tác trồng và phát triển cây địa lan rừng nhằm hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế; hiệu quả từ các mô hình hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới - những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp…
Những năm qua, công tác hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi biên giới phát triển kinh tế luôn là một trong những chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua các nhiệm kỳ Đại hội.
Trong 5 năm 2017-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ cho 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó khoảng 1.100 phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công; gần 200.000 phụ nữ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm; 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ được thành lập; triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện. Giai đoạn 1 (từ năm 2018 đến nay), Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ 210 xã biên giới khó khăn khoảng 6,5 triệu con giống; gần 5 tỷ đồng vốn vay. Đặc biệt, các cấp Hội đẩy mạnh việc thành lập, phát triển các mô hình sinh kế khai thác các thế mạnh địa phương, tài nguyên, tri thức bản địa, coi là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ phụ nữ khu vực dân tộc thiểu số, biên giới tạo ra thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, những khó khăn, bất cập của các mô hình sinh kế được thành lập, vận hành tại khu vực dân tộc thiểu số, biên giới, trong quý II/2023, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức đánh giá thực trạng các mô hình sinh kế tại 26 tỉnh biên giới, hải đảo và tiến hành khảo sát thực địa tại 3 tỉnh biên giới đại diện vùng miền (gồm Lạng Sơn, Nghệ An và Đắk Nông), thông qua thu thập thông tin bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu, tổ chức hội thảo với đại diện lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương…
Qua đánh giá tác động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và các thành viên mô hình đều cho rằng, mô hình sinh kế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và cộng đồng. Mức độ thụ hưởng đời sống văn hóa, cơ hội được học hành, đạo tạo nghề cho phụ nữ được cải thiện. Đặc biệt, chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, trong đó có hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đã góp phần đưa 49/210 xã tại 26 tỉnh biên giới, hải đảo hoàn thành các chỉ tiêu về đích nông thôn mới.