Nhận định về cuộc chiến chống Covid-19 của một cựu Đại sứ Việt Nam

Thứ năm, 04/06/2020 14:04

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành mới đây đã chia sẻ cảm nghĩ của mình về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 trên trang Observer Research Foundation.

20200527-m25.jpg
 
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành (trái) trong một lần nhận quyết định công tác do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao.
 
Ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Hơn ba tháng sau, thế giới đã chứng kiến hơn 4 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2 và hơn 280.000 tử vong, nhưng tại Việt Nam, con số đó chỉ dừng lại ở 288 ca nhiễm và không có trường hợp nào tử vong.

Nhiều người dự đoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch Covid-19 do có chung đường biên giới dài 1.400 km với Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của thế giới và mật độ dân số dày đặc, với diện tích 331.700 km2 và dân số 96 triệu người.

Hơn nữa, quốc gia Đông Nam Á này có nguồn lực khá hạn chế. Trong hai thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân đầu người đã tăng hơn gấp đôi lên 2.700 USD vào năm 2019. Tuy nhiên, hệ thống y tế của đất nước còn thua xa các quốc gia phát triển khác, kể cả trong khu vực ASEAN; Việt Nam chỉ có khoảng 8 bác sĩ trên 10.000 dân.

Vậy vì sao tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở Việt Nam thấp đến như vậy?

Vào "thời chiến"

Câu trả lời có lẽ nằm ở chính khẩu hiệu của Chính phủ Việt Nam đặt ra trong những ngày đầu xuất hiện Covid-19: “Chống dịch như chống giặc”. Người dân Việt Nam cũng đã hưởng ứng rất tích cực khẩu hiệu này. Tinh thần của các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm trước đây đã lan tỏa mạnh mẽ sang công tác chống dịch của cả đất nước.

Trong khi các quốc gia khác vẫn còn bối rối và mơ hồ về đại dịch, Chính phủ và người dân Việt Nam nhận ra mối nguy hiểm đến từ Trung Quốc ngay từ những ngày đầu tiên. Theo đó, một ban chỉ đạo chống đại dịch được thành lập vào ngày 30/1.

Giống như thời chiến, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả quân đội, để đối phó với căn bệnh này. Ngày 1/2, Việt Nam đã đưa ra một loạt các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, bao gồm đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc và đóng cửa tất cả các trường học. Tuần sau đó, Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhưng vẫn duy trì những trao đổi thương mại cần thiết.

Từ những ngày đầu, bất cứ ai nhập cảnh vào Việt Nam, đến từ những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao đều phải cách ly tập trung 14 ngày. Trong khi các quốc gia khác chỉ cách ly và xét nghiệm những người xác định là dương tính với Covid-19 và có tiếp xúc trực tiếp với họ, thì Việt Nam đã cách ly tập trung tất cả những người bị nhiễm và những người bị nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ví dụ, các trường hợp dương tính được coi là F0 và được đưa vào điều trị trong bệnh viện. Những người đã tiếp xúc với F0 được gọi là F1, được xét nghiệm và cách ly tại các trại quân đội hoặc trong bệnh viện. Các trường hợp F2 được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong hai tuần. Nếu F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì sẽ trở thành F0 và do đó F2 trở thành F1...

Quân đội Việt Nam đã huy động cả những cơ sở quân sự có sức chứa 60.000 người để cách ly những ca nghi nhiễm bệnh, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Tất cả mọi người đều được yêu cầu báo cáo lịch sử dịch tễ và những người đã tiếp xúc để phát hiện các ca nghi ngờ nhiễm bệnh và cách ly họ càng sớm càng tốt.

Chiến lược 'chi phí thấp'

Không giống với những quốc gia khác, Việt Nam đã áp dụng một chiến lược “chi phí thấp”, khi tập trung xét nghiệm những người đang phải cách ly thay vì xét nghiệm rộng rãi tốn kém. Vào đầu tháng 3, chỉ một phần nhỏ trong số hàng chục ngàn người trong các cơ sở cách ly được xét nghiệm Covid-19.

Nhưng đến tháng 4, số lượng mẫu xét nghiệm đã vượt quá số người cách ly do nguy cơ về các “ổ dịch” mới nổi lên tại các thành phố lớn như Hà Nội. Rất nhiều khu vực đã bị phong tỏa cách ly hoàn toàn, ví dụ xã Sơn Lôi, thôn Hạ Lôi hay bệnh viện Bạch Mai.
 
Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp khác như đình chỉ việc miễn thị thực cho công dân của một số quốc gia; đóng cửa rạp chiếu phim, câu lạc bộ, quán bar, tiệm massage và phòng karaoke và cấm người dân tụ họp quá 10 người.

Vào ngày 1/4, khi các ca nhiễm Covid-19 vượt qua con số 200, chính phủ Việt Nam đã áp đặt biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc trong vòng 15 ngày. Tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa và xe buýt liên tỉnh đã bị ngừng hoạt động; người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, chỉ được phép ra khỏi nhà để đi mua thức ăn và tất cả các cuộc tụ họp đều bị cấm. Các biện pháp này được làm mạnh mẽ hơn ở các địa phương có nguy cơ lây lan cao, nhằm ngăn chặn đại dịch và giảm thiểu tác động của giãn cách xã hội đối với nền kinh tế.

Hướng tới số hóa

Giãn cách xã hội đã mang lại những kết quả đáng chú ý sau khi Việt Nam đã nhiều tuần liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Các ca nhiễm mới đều là những người Việt Nam từ nước ngoài trở về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Đáng ngạc nhiên, chính đại dịch và sự xa cách xã hội đã đẩy nhanh quá trình số hóa và các hoạt động trực tuyến tại Việt Nam. Chính phủ điện tử, vốn được thực hiện chậm chạp nhưng đột nhiên lại được vận dụng mạnh mẽ trong suốt thời gian chống dịch. Công chức thì tự tin thực hiện nhiệm vụ từ nhà, trong khi lãnh đạo chính phủ sử dụng các cuộc họp trực tuyến để làm việc với các quan chức các bộ, ban, ngành.

Các trường học và đại học đã nhanh chóng chuyển sang giảng dạy trực tuyến mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Truyền hình cũng giới thiệu các chương trình giáo dục và giảng dạy trên TV. Việc đẩy mạnh số hóa như vậy không chỉ giúp giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng rãi mà còn giúp đất nước tiến một bước gần hơn đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam đang dần mở cửa sau khi các biện pháp giãn cách xã hội đã phần nào cho thấy những thành công nhất định trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Giờ đây là lúc Việt Nam tập trung nỗ lực vào việc khôi phục nền kinh tế./.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top