Trước tiên, cần nhắc lại thêm một lần vấn đề cốt lõi là Luật Báo chí hiện hành không cấm hoạt động liên kết. Cụ thể, theo cơ quan quản lý, Điều 37 về liên kết trong hoạt động báo chí quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết còn chung chung; chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh…), yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết.
Trong lĩnh vực thông tin điện tử, những biểu hiện cơ bản là tạp chí, trang tin lợi dụng hoạt động liên kết để “rửa nguồn”; thành lập quá nhiều chuyên trang đến mức có tạp chí có tới 7 chuyên trang trực thuộc; lập nhiều văn phòng đại diện và “khoán trắng” cho những văn phòng này tùy ý trong việc liên kết; nhân sự của bên tham gia liên kết hoạt động như nhà báo ở các cơ quan báo chí…
Chênh lệch lớn về lợi ích trong liên kết
Tuy hiện tượng này phổ biến và ngày càng phát triển nhưng lợi ích của cơ quan báo chí tham gia liên kết lại không đáng là bao.
Một trong những biểu hiện “tư nhân hóa báo chí” được Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nêu ra đó là lợi ích kinh tế.
“Tư nhân hoá báo chí” xảy ra khi lợi ích đối với cơ quan báo chí nhỏ hơn nhiều so với lợi ích mà đối tác liên kết thu được. Thực tế kiểm tra sơ bộ tại một số cơ quan báo chí cho thấy khoản “phí liên kết” (được quy định tại các “hợp đồng hợp tác” hoặc “thoả thuận hợp tác”) mà cơ quan báo chí thu được là rất nhỏ so với quy mô và lợi ích mà đối tác liên kết có thể thu được.
Dẫn chứng, một tờ báo lớn, tổng doanh thu được tính vào khoảng 120 tỷ đồng/năm. Nhưng khi tờ báo này hợp tác với một trang tin điện tử, để trang tin này “rửa nguồn” thì tổng tiền mà họ nhận được mỗi năm chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Đó là tờ báo lớn, còn những cơ quan báo chí khác nhỏ hơn thì con số thu về chưa chắc được đến mức đó.
Về lợi ích khác như thương hiệu của cơ quan báo chí, cơ hội nâng cao trình độ nghiệp vụ cho phóng viên….., cơ quan quản lý qua tổng hợp chưa thấy mối liên hệ rõ rệt giữa việc liên kết với các đối tác truyền thông với việc phát triển thương hiệu của cơ quan báo chí. Uy tín của cơ quan báo chí không tăng lên khi thực hiện hoạt động liên kết (nếu như không nói là kéo theo nhiều “phiền toái” về kiểm soát định hướng nội dung), truy cập hoàn toàn thuộc về bên tham gia liên kết. Chưa thấy rõ ích lợi về việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên ở các cơ quan báo chí thực hiện liên kết (kỹ năng biên tập nội dung, sử dụng các công cụ xuất bản hiện đại….).
“Tư nhân hóa báo chí” thực sự là một nguy cơ bởi tuy chưa có con số thống kê chi tiết nhưng hiện trạng này thời gian qua cho thấy chỉ tư nhân là có lợi gần như tuyệt đối trong hoạt động này.
Tại tọa đàm trao đổi nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí ngày 31/3, nói về dấu hiệu "tư nhân hóa báo chí”, theo ông Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), hiện tượng này hay xảy ra ở truyền hình. Có đơn vị thành lập văn phòng đại diện, thành vương quốc riêng, muốn đăng gì thì đăng.
Đối tác liên kết với truyền hình, sau khi liên kết xong, họ lấy thương hiệu và mở kênh riêng. Có những kênh mà người xem đông hơn cả truyền hình và có quảng cáo - đó là báo chí tư nhân.
Báo chí phải kiểm soát, định hướng nội dung
Theo đại diện Cục Báo chí, “tư nhân hóa báo chí” xảy ra là do lãnh đạo cơ quan báo chí không kiểm soát tốt lợi ích trong sự liên kết giữa báo chí và thành phần kinh tế khác. Kết quả là lợi ích do liên kết mang lại chưa nhiều, đội ngũ người làm báo gần như không được hưởng gì về việc liên kết.
“Tư nhân hoá báo chí” cần phải nói thẳng về lợi ích, đó là tiền, thương hiệu. Nhìn tổng quan, lợi ích về cơ quan báo chí ít, nguồn lợi thấp, thương hiệu báo không những không được đẩy lên mà còn bị hạ thấp, và còn kèm theo không ít sự rủi ro bởi bên báo kiểm soát rất ít thậm chí “buông” nội dung cho bên tham gia liên kết.
Đại diện Cục Báo chí cho rằng, lỗi của báo chí để tư nhân hoá đó là không hiểu về công nghệ, kinh tế. Vì vậy cần nhìn nhận rõ 2 vấn đề này để có cách thay đổi phù hợp hơn.
Cách khắc phục tình trạng này đó là cơ quan báo chí phải kiểm soát tuyệt đối nội dung, định hướng nội dung trước chứ không phải chờ tư nhân viết bài xong mới duyệt. Cơ quan báo chí phải là người “cầm lái” chứ không phải tư nhân.
Dẫn chứng câu chuyện câu view gần đây về ca sĩ Hiền Hồ và Sơn Tùng M-TP, thì đề tài triển khai tiếp tục không phải theo hướng tiêu cực mà phải thực hiện theo hướng lành mạnh.
Hiện nay, có sự việc nhiều tổng biên tập không định hướng, duyệt thông tin…, quên mất quy định việc liên kết trong hoạt động báo chí trong Luật Báo chí. Chính vì vậy, điều cần thiết phải quan tâm đó là sản xuất nội dung nhưng phải hợp tác, không để tư nhân muốn tự viết gì thì viết, đăng gì thì đăng. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm thiểu các mặt trái hiện nay như chỉ thiên về “câu view”, đẩy lên quá mức những vụ việc tiêu cực trong xã hội.
Hiện hoạt động liên kết không bị cấm nhưng rõ ràng thời gian tới hoạt động này giữa các bên phải thực hiện đúng quy định, có trách nhiệm với nhau hơn. Chẳng hạn, trước những vấn đề lớn của đất nước, của xã hội, với thế mạnh của mình trang tin điện tử với nhiều công cụ như seo, social, thế mạnh sẵn có về truy cập…các bên liên kết hoàn toàn có phối hợp cho hiệu quả về thông tin. Điều này giúp cho báo chí có lợi ích nhiều hơn, các nhân viên trong báo cùng được hưởng lợi và chính bên tham gia liên kết cũng đứng trước ít rủi ro hơn rất nhiều.
Trong thời gian tới, việc liên kết này chắc chắn sẽ được điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết; yêu cầu về điều kiện, năng lực, kế hoạch hợp tác kinh doanh và những cam kết cần phải có của đối tác liên kết. Bổ sung quy định giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết về hình thức, quy trình, thủ tục liên kết trong hoạt động báo chí.