Chị Lê Thị Hồng Vân
Tuy khó khăn là thế nhưng trong chị Vân vẫn luôn có niềm tin về Bưu điện – Văn hóa xã với mục tiêu mang ánh sáng của thông tin, của tri thức đến với những người dân tại chính quê hương mình. Hàng ngày, ngoài việc trực nhật bạ, phục vụ nhu cầu liên lạc của bà con, chị Vân đã đến từng nhà để thông báo cho bà con nghe về dịch vụ của bưu điện: bà con có thể ra gọi điện cho người thân ở xa với giá rất thấp, có thể ra đọc sách báo miễn phí.
Bưu điện dần dần đã hoạt động tốt hơn trước, cũng đã nhiều người đến và hoạt động tại bưu điện. Bưu điện – Văn hóa xã Tân Cương chuyển sang mở cửa từ sáng đên tối, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ, được bưu điện tỉnh trang bị đầy đủ bàn ghế, thêm nhiều loại sách báo phục vụ nhiều đối tượng khác nhau. Thay đổi về cơ sở vật chất, về phương thức hoạt động, chị Vân cũng không quên việc tích cực trong giao tiếp với khách hàng. Sự niềm nở, mến khách chính là tiêu chí khi giao tiếp với khách hàng của chị. Và từ đó, Bưu điện – Văn hóa xã Tân Cương đã trở thành địa chỉ thân thiện, là nơi sinh hoạt văn hóa bổ ích của người dân địa phương.
Năm 2015, Bưu điện – Văn hóa xã Tân Cương là điểm đầu tiên của huyện Vĩnh Tường triển khai mô hình điểm kinh doanh đa dịch vụ. Cùng với việc phục vụ nhu cầu của người dân về tem thư, bưu phẩm, bưu kiện, chị Vân tiếp nhận thêm nhiều dịch vụ khách như: bán bảo hiểm xe máy, phát triển BHXH tự nguyện - BHYT, thu cước viễn thông, chi trả lương hưu, bán hàng tiêu dùng phục vụ bà con...
Chị Lê Thị Hồng Vân tư vấn Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho khách hàng
Chị Vân tâm sự: “Dịch vụ nào tôi cũng dồn tâm huyết của mình vào đó, nhưng việc phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện là công việc mà tôi thích tìm hiểu và tư vấn cho khách hàng nhất. Đây là một chính sách an sinh vô cùng nhân văn của Đảng và Nhà nước, muốn tư vấn được cho khách hàng, tôi phải là người hiểu đúng, nắm rõ được thông tin nhất. Có những đợt cao điểm, tôi tư vấn phát triển thành công được 12 bộ hồ sơ/ tháng. Người dân ở đây sáng họ đi làm ruộng nên chỉ có thể đến tư vấn vào buổi tối, chính vì vậy, ban ngày, khi làm việc tại Bưu điện – Văn hóa xã, có khách hàng vào sử dụng dịch vụ là tôi tranh thủ tư vấn kết hợp tuyền truyền các chính sách, chế độ của BHXH tự nguyện để người dân, những người lao động tự do không trong diện đóng bắt buộc họ hiểu được và tham gia. Buổi tối, tôi phối hợp cùng Hội phụ nữ thôn, xóm, tổ chức các hội nghị tư vấn cho bà con về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Tổng công ty, của Bưu điện tỉnh, bưu điện huyện mà bưu điện – văn hóa xã chúng tôi cũng có những tờ rơi, pano, phướn để bà con có thể tiếp cận với dịch vụ bất cứ lúc nào tại bất cứ địa điểm nào. Công việc đôi khi áp lực lắm thế nhưng tôi lại nhận được tình yêu thương, quan tâm từ mọi người. Có chị khách hàng quen thấy tôi bận quá còn mua cơm cho tôi ăn trưa. Đó đều là những tình cảm thật chân thành mà mọi người giành cho tôi”.
Bưu điện – Văn hóa xã Tân Cương là điểm đầu tiên của huyện Vĩnh Tường triển khai mô hình điểm kinh doanh đa dịch vụ.
Cùng với sự cố gắng, kiên trì và tình yêu với công việc, chị Vân đã đưa Bưu điện – Văn hóa xã Tân Cương thoát khỏi cảnh đìu hiu và càng ngày càng phát triển. Hiện nay, điểm BĐ-VHX Tân Cương là một điểm BĐ-VHX tiêu biểu của bưu điện huyện Vĩnh Tường, có đóng góp lớn vào công tác phát triển, duy trì uy tín thương hiệu của bưu điện – văn hóa xã hơn 20 năm qua.
Nhờ những đóng góp tích cực của mình trong công việc, năm 2019, chị Lê Thị Hồng Vân đã nhận được Giấy khen của Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho cá nhân đã có thành tích đóng góp vào sự phát triển của Tổng công ty.