Người giảng viên tâm huyết với nghề

Thứ ba, 16/11/2021 10:05

Tốt nghiệp Đại học kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp, trải qua nhiều vị trí công việc trong ngành Bưu điện, năm 2018, chị Trần Thị Hương chính thức trở thành giảng viên của Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bưu điện. Bằng những kinh nghiệm thực tế cùng với khả năng sư phạm sẵn có, giảng viên Trần Thị Hương đã có rất nhiều đóng góp vào công tác đào tạo cho cán bộ, người lao động trên toàn mạng lưới. Trong công việc hàng ngày, chị luôn ưu tiên đặt mục tiêu học tập và làm theo lời Bác lên hàng đầu.

Truyền thống gia đình nuôi dưỡng những ước mơ

Sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình giàu truyền thống hiếu học ở tỉnh Bắc Giang, vùng đất gắn liền với những vị anh hùng dân tộc, chí sĩ yêu nước như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Khắc Nhu, Hoàng Ngũ Phúc,… Cha là giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông, mẹ là cán bộ lâu năm của Bưu điện tỉnh Bắc Giang. Tuổi thơ của chị gắn liền với những câu chuyện về ngành Bưu điện, dần dần tình yêu ngành như ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng ước mơ mai này lớn lên được trở thành đồng nghiệp của bố mẹ. Ước mơ đã trở thành hiện thực vào cuối năm 1992, ngay khi vừa rời mái trường cấp 3, chị đăng kí đi học và làm công nhân vi ba của Bưu điện tỉnh Bắc Giang. Vốn là một người chịu khó tìm tòi học hỏi, cùng với nhiệt huyết yêu nghề được bố mẹ hun đúc từ nhỏ, chị luôn là một nhân viên có năng lực chuyên môn tốt, thực hiện các thao tác kỹ thuật chuẩn xác, được lãnh đạo và đồng nghiệp tin yêu.

Sau hơn 10 năm công tác tại Bưu điện tỉnh Bắc Giang, chị chuyển công tác về Hà Nội và nhận vị trí giao dịch viên (GDV) thuộc Bưu điện TP Hà Nội. Chuyển sang một vị trí công việc có chuyên môn hoàn toàn mới, chị đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường, trở thành cô GDV giỏi nghiệp vụ, tận tâm và được khách hàng yêu mến. Do năng lực và những thành tích trong công việc chị đã được bổ nhiệm vào các vị trí kiểm soát viên, Trưởng Bưu cục Đống Đa, Trưởng Bưu cục KHL Đống Đa trực thuộc Bưu điện TP Hà Nội. Năm 2016 chị vinh dự được trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 2018, tiếp bước người cha thân yêu của mình, chị trở thành Giảng viên của Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng Nghiệp vụ Bưu điện, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

TTDT-C.Huong-1.jpg

Th.s Trần Thị Hương, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bưu điện

Say nghề, đam mê đổi mới sáng tạo

Bất kỳ ai khi làm việc cùng cô giáo Trần Thị Hương đều có chung 1 cảm nhận, đó là một giảng viên say nghề, trách nhiệm, ham học hỏi, không ngại đổi mới sáng tạo, vượt trên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ khi nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm, cô Hương được phân công phụ trách giảng dạy về dịch vụ "nóng" của Tổng công ty đang triển khai về Tài chính bưu chính, Hành chính công, Phân phối truyền thông; trực tiếp giảng dạy cho đội ngũ người lao động trực tiếp sản xuất trên toàn mạng lưới của Bưu điện Việt Nam, các lớp giao dịch viên Bưu điện 1 tháng, lớp Nhân viên kinh doanh Bưu điện 2 tuần tại Trung tâm; giảng dạy môn dịch vụ Bảo hiểm xã hội, kỹ năng bán hàng cho lớp nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho GDV thời gian 3 ngày tại các đơn vị Bưu điện tỉnh/TP. Với tinh thần trách nhiệm cao, cùng với sự nhiệt huyết, say nghề, ham tìm tòi sáng tạo, chị luôn trăn trở nghiên cứu, không ngại đổi mới trong việc xây dựng và thiết kế bài giảng, kết hợp gần gũi giữa lý thuyết và thực tế sản xuất, đa dạng hóa các phương pháp đào tạo giúp học viên nắm chắc kiến thức nghiệp vụ, thực hành thành thạo các phần mềm liên quan phục vụ cho công việc tại đơn vị sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và kiểm tra bài học. 

Không còn là những tiết học khô khan về nghiệp vụ, chị Hương có những phương pháp giúp học viên tiếp cận và ghi nhớ bài giảng một cách đơn giản, đặc biệt thường xuyên lồng ghép các trò chơi, câu đố thông qua các game trên Kahoot, Quizizz, thẻ học Quizlet, thẻ kiểm tra Plickers… khiến những quy định, quy trình nghiệp vụ trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ cho học viên. Những bộ môn chị phụ trách đòi hỏi tính chính xác và tinh thần trách nhiệm cao nên chị là một giảng viên vô cùng nghiêm khắc, nhưng không phải vì thế mà học viên e ngại mỗi khi tới giờ học của “cô giáo” Hương. Bởi những tiết học đó không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức, những kinh nghiệm thực tế giảng viên mà học viên còn được hỗ trợ, tư vấn xử lý các tình huống phát sinh sau khi trở về đơn vị, giúp tránh được những sai sót, thực hiện tốt công việc được giao, từ đó thêm yêu và nhiệt huyết với nghề.

TTDT-C.Huong-3.jpg

Giảng viên Trần Thị Hương cùng tổ Ứng dụng CNTT xây dựng bài giảng "Hướng dẫn định danh, xác thực điện tử PostID"

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ chức những khóa đào tạo trực tiếp về nghiệp vụ không thể diễn ra, lãnh đạo Trung tâm đã có những chỉ đạo và định hướng chiến lược trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt là số hóa các bài giảng về chuyên môn, nghiệp vụ. Lần đầu tiên tiếp cận với một hình thức giảng dạy mới khiến giảng viên và tổ Ứng dụng CNTT không tránh khỏi những bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn, có những công đoạn phải làm đi làm lại nhiều lần mới đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua thách thức”, giảng viên Trần Thị Hương đã xung phong thực hiện bài giảng trực tuyến đầu tiên của Trung tâm. Sau 2 tháng nỗ lực, không ngừng tìm tòi, học hỏi, giảng viên Trần Thị Hương cùng với tổ Ứng dụng CNTT đã cho ra đời bài giảng điện tử đầu tiên mang tên: “Hướng dẫn định danh, xác thực điện tử PostID”. Đặc biệt, thời điểm bài giảng ra đời cũng chính là lúc Tổng công ty được Chính phủ giao nhiệm vụ định danh, xác thực cho người dân và tổ chức trên cả nước tại các điểm giao dịch Bưu điện. Bài giảng đã tiếp cận được gần 35.000 CBCNV-LĐ trên toàn mạng lưới từ cấp lãnh đạo đơn vị đến đội ngũ giao dịch viên, nhân viên BĐVHX. Qua đó, giúp người lao động nắm vững được các thao tác định danh, xác thực điện tử trên hệ thống PostID để thực hiện nhanh chóng và chính xác nhất cho người dân; góp một phần lớn vào công cuộc chuyển đổi số, cùng Tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ giao. Có thể nói, đây là bước ngoặt lớn của Trung tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và giảng viên Trần Thị Hương đã có rất nhiều đóng góp để tạo nên "mốc son" đó.

Không chỉ nỗ lực ở bài giảng số đầu tiên, chị Trần Thị Hương còn xây dựng thêm những bài giảng số tiếp theo về dịch vụ Tài chính bưu chính, dịch vụ Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính… Chưa bao giờ chịu bằng lòng với chính mình, mỗi bài giảng của chị là một sự đổi mới, từ cách tiếp cận bài giảng đến cách thể hiện các nội dung trên slide. Chị Hương chia sẻ, "Sợ nhất là học viên không có hứng thú học tập, bài giảng nhàm chán sẽ khiến hiệu quả đào tạo trực tuyến không cao, chính vì thế các bài giảng trực tuyến cần phải được xây dựng tỉ mỉ, sinh động, chau chuốt về nội dung và cách thể hiện". Chính tinh thần trách nhiệm cao, sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của giảng viên Trần Thị Hương đã tạo nên thương hiệu riêng vô cùng đặc biệt của chị, nhắc đến Trần Thị Hương là nhắc tới "trách nhiệm và sự sáng tạo", được đồng nghiệp và học viên kính trọng, tin yêu.

Không chỉ là một giảng viên giỏi có nhiều bài giảng chất lượng, chị còn là một trong những giảng viên có nhiều ý kiến, sáng kiến về hoạt động chuyên môn; tham gia xây dựng các bộ tài liệu giới thiệu và hướng dẫn các dịch vụ mà Bưu điện Việt Nam đang cung cấp; xây dựng, rà soát và chỉnh sửa bộ câu hỏi thi nâng bậc cho lực lượng lao động trên toàn mạng lưới; …

TTDT-C.Huong-2.jpg

Giảng viên Trần Thị Hương và đồng nghiệp trong Hội thi nấu ăn Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2021

Người cán bộ Đảng viên xuất sắc

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giảng viên Trần Thị Hương nhận thức rất rõ trách nhiệm của một người giảng viên, một đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam là luôn không ngừng học hỏi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn là một tấm gương "tự học và sáng tạo", từng bước nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; gương mẫu, tiên phong trong các phong trào, hoạt động khác của Trung tâm…

Từ kết quả rèn luyện, phấn đấu của bản thân trong những năm vừa qua, bản thân chị Hương đã liên tục phấn đấu và đạt các danh hiệu “Giấy khen của Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam” năm 2019; Bằng khen chuyên đề “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm 2020 của Công đoàn Thông tin và Truyền thông; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông giai đoạn 2019-2020; Ban Chấp hành Công đoàn Trung tâm đề nghị Tổng Liên đoàn xét tặng “Bằng Lao động sáng tạo năm 2021”. “Đảng viên xuất sắc”.

Giảng viên Trần Thị Hương hoàn toàn xứng đáng với các danh hiệu cho những cống hiến không mệt mỏi suốt những năm qua cho Bưu điện Việt Nam nói chung, cho Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bưu điện nói riêng, là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học viên noi theo.

Diệp Thị Minh Nguyệt
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top