Mở hướng thoát nghèo cho nông dân Tân Uyên

Thứ sáu, 18/08/2017 08:55

Đưa cây mắcca vào trồng thí điểm ở hai xã Phúc Khoa và Nậm Sỏ là việc làm táo bạo cho vùng kinh tế Tân Uyên vào thời điểm này. Đây là loại cây không phải mới nhưng còn xa lạ với huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Hy vọng từ dự án trồng cây mắcca xen chè, một tương lai mới sẽ mở ra cho nền kinh tế của huyện và người nông dân.

20170824-m04.jpg
Trồng cây mắcca xen cây chè ở xã Phúc Khoa.
 
Chưa bao giờ có một dự án cây trồng được quyết định và triển khai nhanh như cây mắcca ở Tân Uyên. Nhiều người dân trong tỉnh đã từng biết đến loại cây giá trị này ở một số xã của huyện Tam Đường như: Bản Bo, Sơn Bình, Bản Giang. Nhưng với số lượng có hạn, quả mới cho ra bói nên mắcca ở Lai Châu vẫn được xem là cây trồng tiềm năng. Mới đây nhất, trong lần kiểm tra ở huyện Tân Uyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá rất tốt về điều kiện khí hậu, độ cao của Tân Uyên - nơi lý tưởng để phát triển cây trồng mang lại kinh tế cao. Vậy là, dự án thí điểm trồng cây mắcca xen chè nhận được sự nhất trí cao của tỉnh. Chưa đầy 1 tháng, dự án được tỉnh chỉ đạo đến vùng đất mới Tân Uyên. Từ lãnh đạo huyện đến Nhân dân được hưởng thụ dự án vừa mừng vừa lo, dồn sức cho cây mắcca.
 
Chúng tôi trở lại xã Phúc Khoa sau những ngày mưa lớn kéo dài. Gặp Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thắng đang đôn đốc anh em lên kiểm tra vùng cây chè xen mắcca mới trồng xong. Rót chén nước chè xanh thơm ngát, ông Thắng phấn khởi nói: “Chúng tôi triển khai trồng thành công 100% kế hoạch (100ha trồng cây mắcca). Tuy thời gian chứng minh cho sự phát triển lâu dài của loại cây này chưa rõ, nhưng sau 1 tháng bén rễ trên đất mới, cả chè và mắcca đều đang bám rễ rất tốt…”. Thấy lời nói của mình chưa đủ để minh chứng cho tiềm năng của cây trồng này, ông không ngần ngại đưa chúng tôi đi “mục sở thị” tại một số bản có loại cây giá trị này. Nơi đến đầu tiên của chúng tôi là vùng đất trù phú Nậm Bon 1. Từ trung tâm xã đến bản không xa, nhưng đến tận vùng trồng cây mắcca xen chè phải vượt qua vài con dốc thoai thoải và uốn lượn. Ngồi trên chiếc xe máy “kháng chiến trường kỳ” của trưởng bản Lý Văn Ván, chúng tôi được ông chia sẻ nhiều điều. Ông nói: “Bản Nậm Bon 1 có diện tích trồng nhiều nhất (34ha cây mắcca). Sở dĩ người dân ủng hộ dự án này nhiều như vậy chính là nhờ sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp chính quyền xã, huyện, đặc biệt là Chủ tịch Thắng - người trực tiếp đưa chúng tôi đi thăm quan thực tế tại một số vùng cây mắcca ở Tam Đường và được tận mắt thấy những vườn cây mắcca quả sai trĩu của các hộ dân các bản tiếp giáp xã Phúc Khoa như xã Bản Bo. Không ai trong đoàn nghĩ rằng, 1ha cây mắcca lại có thể cho gần 700 - 800kg quả tươi”. Câu chuyện của ông Ván là câu chuyện chung của các bản có đông đảo người dân tình nguyện đăng ký tham gia trồng cây “họ giàu”. 
 
Dưới ánh nắng nhẹ, chúng tôi dừng chân trước không gian rộng lớn của những triền đồi thoai thoải dốc, nơi có hàng nghìn cây chè đã bén rễ và những thân cây mắcca xen kẽ. Trên con đường đổ đá mạt vừa đủ lớn phục vụ cho ôtô đến thu mua chè, từng tốp nông dân tay cuốc, lưng gùi đang rảo nhanh trở về nhà cho kịp buổi trưa. Trưởng bản Ván nhanh miệng hỏi thăm tình hình cây trồng mới của bà con, không ai bảo ai, đồng thanh trả lời: “Vẫn xanh tốt trưởng bản ạ, chúng tôi chăm sóc kỹ lắm”. Nghe được những lời nói của người dân chúng tôi càng hy vọng vào tiềm năng cây mắcca sẽ đưa đến cho Tân Uyên. 
 
Từ khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo huyện về dự án trồng thí điểm cây mắcca ở Tân Uyên, mà trọng điểm là ở xã Phúc Khoa và Nậm Sỏ, sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền nơi đây tới Nhân dân cũng diễn ra mau chóng, thuyết phục. 10.000 cây giống được UBND huyện cấp về đã đồng loạt trồng trên diện tích 100ha ở các bản: Nậm Bon 1, 2, Hô Bon và 1 số ít ở Pắc Khoa. Theo những người dân trực tiếp tham gia đào hố, trồng cây ở Phúc Khoa cho biết: “Cứ 1ha chè sẽ trồng được 100 - 120 cây mắcca (trung bình 10m/cây), đủ khoảng cách để tán cây mắcca phát triển”. 
 
Cùng với Phúc Khoa, xã Nậm Sỏ là địa bàn được huyện khảo sát, đánh giá có lợi thế phát triển rộng cây mắcca. Chị Lý Huyền - cán bộ địa chính xã Nậm Sỏ chia sẻ: “Nậm Sỏ mới triển khai trồng vào đầu tháng 8, đến thời điểm này Nhân dân trồng được 25ha (đạt 50% kế hoạch). Triển khai trồng mắcca ở đây không phải là chuyện “một sớm một chiều”, vì lý do độ cao của xã cộng thêm hiện nay Nậm Sỏ là nơi tiếp nhận khá nhiều loại cây trồng lâu năm như: quế, sơn tra nên người dân rất “ngại” khi nghĩ tới việc chờ đợi thêm một loại giống từ 3 - 4 năm mới cho thu hoạch”. Nhưng, với quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của bộ máy chính quyền xã, huyện, cuộc vận động Nhân dân khai hoang trồng cây mắcca được thực hiện bằng mọi biện pháp. Trọng tâm vẫn là đưa dẫn chứng, lấy điển hình để bà con hiểu và làm theo. “Bây giờ, ngoại trừ những ngày mưa tầm tã, chỉ cần huy động là bà con sẵn sàng tham gia ngay. Nhiều người còn mong muốn dự án thí điểm trồng cây mắcca của huyện sẽ sớm cho thu hoạch để vùng đất khó này được đưa mắcca vào trồng đại trà, trở thành hướng phát triển kinh tế bền vững của xã” - Chủ tịch UBND xã Lường Thanh Sáng cho biết.    
 
Những “cơ duyên” để mắcca bén rễ ở Tân Uyên vẫn chỉ mới khởi động, thời gian chờ ngày khai hoa kết trái ít cũng 3 - 4 năm, nhưng trước mắt sự tin tưởng vào dự án cây mắcca xen chè đã mở lối cho sự phát triển kinh tế mới của huyện và sự đồng tình của Nhân dân cùng các cấp chính quyền địa phương chính là điểm tựa vững chắc chờ đón một tương lai sáng của cây mắcca.
 
Thanh Hiền (Báo Lai Châu)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top