Mẹ Trần Thị Quang Mẫn với các bạn trẻ TP Hồ Chí Minh và Sư đoàn Không quân 370 (năm 2001). Ảnh: THANH VẤN
Còn nhớ năm 2008, lần đầu tiên tôi đến thăm má. Vừa bước vào đến cửa, tôi thấy một bà lão ngồi trên chiếc sập gỗ đang bỏm bẻm nhai trầu. Tôi hỏi: “Má ơi! Má Trần Thị Quang Mẫn phải không ạ?”. “Má đây con. Vô nhà đi rồi nói chuyện”. Tôi hơi bất ngờ khi trước mặt mình là người phụ nữ nổi tiếng trong chiến tranh của vùng sông nước Cửu Long, được báo chí nước ngoài và người dân Nam Bộ ngưỡng mộ. Đó cũng là người mà kẻ thù khiếp sợ mỗi khi phải đối mặt với bà. Năm ấy, má đã 82 tuổi, người gầy, hai gò má nhô cao, nước da xanh tái, mắt đã mờ đục. “Con kéo ghế ngồi đi, má nằm nghỉ một chút. Mấy bữa nay xương khớp nhức quá”.
Tôi bóp nhẹ chân tay và bờ vai cho má. Một lúc sau, má ngồi dậy bảo: “Bịnh tuổi già đấy mà. Cứ thay đổi thời tiết là thân thể đau nhức, mệt mỏi. Như thời thanh niên tung hoành ngang dọc, có biết mệt là gì đâu”. Tôi lặng người nhìn má. Rồi câu chuyện má kể về cuộc đời mình in đậm trong tâm trí tôi...
Tuổi thiếu niên, cô con gái của ông bà Hai Phước ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) nghịch ngợm, ngang tàng hơn cả con trai. Mới 15 tuổi, Sáu Mẫn đã là thủ lĩnh của đám mục đồng, chuyên tổ chức đua trâu, đánh trận giả và thích học võ trên cánh đồng làng. Điều mà ít thiếu nữ ở xã Vĩnh Thạnh hồi đó ham thích là gia nhập Vệ Quốc đoàn để tham gia đánh Tây, thì Sáu Mẫn lại rất ham. Ngay cả khi bị cha cắt mất mái tóc dài, Sáu Mẫn vẫn kiên định với ước muốn của mình khiến ông Hai Phước ôm đầu, ngửa mặt lên trời than: “Sao mi không là con trai? Hay bà mụ đã nặn nhầm?”.
Để được đi bộ đội, Sáu Mẫn phải tập la hét cả ngày ngoài đồng cho giọng bể khan, giống giọng con trai. Cô còn nhờ một ông thợ hớt tóc để có mái tóc cua. Đến căn cứ của Trường Quân sự tỉnh Rạch Giá, Sáu Mẫn được người chỉ huy khen: “Cậu này trắng trẻo như con gái, nhưng khỏe mạnh và dễ thương quá”. Rồi đến khi thấy cô tập quân sự rắn rỏi, dứt khoát, mấy cậu cùng nhập ngũ gật gù: “Thằng Sáu mà đi tán gái thì chỉ có số dách”.
Khi giả trai, Sáu Mẫn đâu lường hết được những khó khăn, vất vả trong công tác, sinh hoạt và chiến đấu của một đơn vị toàn nam giới. Cô phải tập hút thuốc, lựa lúc đồng đội nghỉ ngơi mới đi tắm giặt, vệ sinh. Cô nhớ nhất là lần đầu tiên ra trận. Miệng nói với chỉ huy là không sợ, nhưng khi địch tới thì mồ hôi ướt đầm lưng áo, có bắn súng thì đạn cày ngay trước mặt. Sáu bị chỉ huy và anh em la cho một trận tơi bời. Sau trận ấy, cô cứng cáp hơn, không sợ tiếng súng nữa. Chiến công đầu tiên của Sáu Mẫn là trong một trận đánh ác liệt giữa cánh đồng xã Vĩnh Thạnh. Bữa ấy giặc về càn đông như kiến cỏ. Nằm phục kích, cô hướng nòng súng về phía trước đợi địch. Được lệnh của chỉ huy, nòng súng của cô nhả đạn. Tên địch phía trước ôm ngực ngã nhào xuống bưng...
Càng chiến đấu, Sáu Mẫn càng dạn dày trận mạc và trưởng thành nhanh chóng. Cô đã nghĩ cách đánh tàu Mỹ rất sáng tạo. Chả là ngày nào tàu địch cũng rà đi rà lại hai bên bờ sông để tìm căn cứ của ta, chúng còn nã đạn vô xóm làng làm bà con mình thương vong nhiều. Sáu Mẫn cùng anh em trong đơn vị làm mìn tự tạo, rồi cắm sâu dưới mặt sông chừng một thước. Khi tàu địch chạy qua, mọi người chập dây cho nổ làm nhiều chiếc phơi bụng.
Giả trai mãi rồi cũng có ngày Sáu Mẫn đi lấy chồng. Khi biết tin, anh em trong đơn vị đều ngã ngửa. Một số cô gái người Khmer trót thương “anh Sáu” khóc đỏ cả mắt. Chồng của cô là Nguyễn Hữu Bé (Mười Bé), người cùng quê, biết Sáu Mẫn từ nhỏ. Lúc Sáu Mẫn giả trai đi bộ đội, anh Mười Bé đã là chiến sĩ Vệ Quốc đoàn. Đám cưới của anh Mười Bé và Trung đội trưởng Trần Quang Mẫn (tên khai khi nhập ngũ) giữa chiến khu rất đông vui. Đồng đội và bà con kéo đến chúc mừng như ngày hội.
Anh hùng LLVT nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn với cháu ngoại (năm 2006). Ảnh: THANH VẤN
Tuần trăng mật của đôi vợ chồng trẻ chìm trong tiếng bom đạn, nhưng bù lại là một mầm sống trong cơ thể Sáu Mẫn đã hình thành. Sau hôn lễ được mấy ngày, vợ chồng Sáu Mẫn lại ai đi đường nấy theo nhiệm vụ. Gần tới ngày sinh con, cô nhận được tin sét đánh: Anh Mười Bé chiến đấu anh dũng và hy sinh ở đồn Chàng Chẹt. Sáu Mẫn xỉu lên xỉu xuống, khiến ông bà Hai Phước phải năn nỉ: “Con phải ráng lên để sanh con chớ”. Đúng. Cô phải sống để nuôi con thành người. Mấy bữa sau, cô sinh hạ được cậu con trai đặt tên là Nguyễn Quốc Hưng. Con chưa kịp rời vú mẹ, Sáu Mẫn đã gửi lại cho ông bà nội ngoại, khoác súng cùng đồng đội ra chiến trường.
Mấy năm sau, Sáu Mẫn nhận nhiệm vụ giết tên ác ôn khét tiếng Lâm Quang Phòng, chỉ huy tiểu đoàn bảo an Kiên Giang. Tên này đi đến đâu là chém giết, cướp bóc đến đó. Với sự giới thiệu của bà cô tên ác ôn, Sáu Mẫn lọt được vô nhà hắn trong một đám giỗ. Khi hắn no say đang ngủ trên giường, cô liền lao đến vung dao chém tới tấp. Năm nhát chém khiến tên Lâm Quang Phòng bị thương nặng, nhưng Sáu Mẫn cũng bị địch bắt. Địch đưa cô ra tòa án binh và kết án 7 năm tù khổ sai, 5 năm đi biệt xứ. Trong nhà tù, Sáu Mẫn luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, giác ngộ cho nhiều bạn tù khác cho đến ngày được tự do. Địch gọi cô là “nữ thần sông nước miền Tây”. Về lại đội ngũ, Sáu Mẫn tiếp tục lao vào các cuộc chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Bé Quốc Hưng càng lớn càng giống cha mẹ ở tính nhanh nhẹn, gan dạ. Lên 10 tuổi, Quốc Hưng đã trốn ông bà ngoại đi làm liên lạc cho tỉnh đội, rồi cậu được cử đến Đội U Minh 10. Trong một trận chống càn với quân địch chi khu Chương Thiện ở Vĩnh Hòa Hưng (nay thuộc Gò Quao, Kiên Giang) năm 1967, Quốc Hưng chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt được nhiều tên địch. Nhưng cũng trong trận đánh này, Quốc Hưng đã hy sinh khi mới bước vào tuổi 15. Một lần nữa, cuộc đời Sáu Mẫn lại chìm trong đau thương vô tận... Nhưng cô lại đứng lên, cầm súng tiếp tục chiến đấu. Năm 1967, Sáu Mẫn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Tôi cùng con gái nuôi của má là Ngọc Hân đứng bên bàn thờ. Trước mặt tôi là di ảnh Anh hùng LLVT nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn. Tôi thắp nén nhang tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc đến má Sáu Mẫn-người phụ nữ anh hùng, bất khuất của vùng đất Kiên Giang.