Lớp học đêm vùng biên giới

Thứ hai, 18/09/2023 17:45

Những tiếng “ê a” đánh vần trong ánh đèn đêm của điểm trường vùng biên giới làm không gian rộn rã dần lên. Lớp học đặc biệt ban đêm miền biên viễn ấy dành cho các chị, các mẹ người đồng bào và cả những người Lào theo học.

20231809-duy17.jpg

Ảnh minh họa

Niềm vui “vỡ lòng”

Nghe tiếng gọi í ới ngoài cửa, chị Hồ Thị Bôi (46 tuổi, thôn Măng Sông, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại tất bật cho sách vở vỡ lòng vào trong chiếc túi nhỏ, rồi nhanh chóng xuống bậc thang nhà sàn hòa vào nhóm người phụ nữ đang cầm đèn pin hướng về điểm trường Măng Sông, thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ba Tầng để tham gia lớp học xóa mù chữ.

Từ tháng 4/2023, trên địa bàn xã Ba Tầng đặc biệt khó khăn nơi vùng biên giới Hướng Hóa có nhiều lớp xóa mù chữ được mở ra. Mỗi lớp học có khoảng hơn 20 học sinh độ tuổi từ 15 cho đến 60. Do địa hình khó khăn, lại học vào ban đêm, nên lớp học được tổ chức ở 2 điểm nhằm giúp các phụ nữ tham gia học tập thuận tiện hơn. Theo đó, lớp ở thôn Loa có 48 học viên, trong đó, chị em 50 tuổi có 5 học viên, 5 học viên trên 60 tuổi, còn lại từ 30 đến 40 tuổi. Còn lớp học ghép 2 thôn Măng Sông và thôn Vầng có 46 học viên. “Thầy, cô” đứng lớp là cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị, là cán bộ phụ nữ xã, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng. Mấy tháng qua, mỗi tuần 3 buổi, những lớp học đặc biệt ấy lại sáng đèn, với mong muốn đem cái chữ đến với các mẹ, các chị, những người phụ nữ vốn tảo tần, chịu nhiều thiệt thòi, xưa nay chỉ biết đến cái nương, cái rẫy.

Trong đêm biên giới vang lên giọng đọc chưa rõ tiếng phổ thông của các chị, các mẹ, nhiều người dân chưa một ngày được đến trường ở vùng đất này. Hơn 2 tháng theo học lớp học này, nhiều người phụ nữ như chị Hồ Thị Bôi đã biết được mặt chữ, có thể ghép vần và đánh vần được các từ đơn giản, phát âm chuẩn hơn và viết được những từ cơ bản thành câu. Chị Hồ Thị Tươi chia sẻ: “Từ trước đến nay, mình hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương, cuộc sống hàng ngày gắn liền với củ sắn, củ khoai, nương ngô chứ không quen cầm bút, cầm sách. Nay được đi học, được viết chữ và biết cách tính toán, mình thấy nhiều điều mới lạ hơn. Hy vọng sau khi học xong, mình có thể đọc thông, viết thạo và tìm hiểu thêm được nhiều điều hay nữa qua sách vở!”.

Những bài giảng trong đêm

Ba Tầng là xã giáp biên giới với nước bạn Lào, cũng là địa bàn xa nhất trên tuyến Lìa gồm 7 xã giáp biên của huyện Hướng Hóa, chủ yếu là đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, còn nhiều khó khăn. Ở huyện Hướng Hóa, lớp học xóa mù chữ được triển khai theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, năm 2019, thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, 350 trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú đang cư trú tại 9 xã giáp biên của huyện Đakrông và Hướng Hóa (trong đó có xã Ba Tầng). Nhiều người, trong đó có các chị, các mẹ trở thành công dân Việt Nam cũng mong muốn được học chữ. Vì thế, khi “lớp xóa mù chữ, tái mù chữ” được triển khai, ai nấy háo hức tham gia.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ba Tầng cho biết, “học sinh” ở đây đa số đều là phụ nữ người dân tộc Pa Cô hay Vân Kiều, ở nhiều độ tuổi khác nhau, người lớn nhất cũng hơn 60 tuổi, người ít tuổi nhất trên 30 tuổi. “Phần lớn là lao động trụ cột trong gia đình, nên việc vận động các mẹ, các chị đến lớp học tập đều đặn cũng gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm của người giáo viên, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã vận động được hầu hết các học viên tham gia lớp xóa mù chữ” - thầy giáo Nguyễn Hữu Trực chia sẻ.

Trong quá trình giảng dạy, thấy các mẹ, các chị đã lớn tuổi, nhưng mọi người đều có tinh thần ham học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính. Vì thế, mỗi khi đứng lớp, các thầy, cô giáo hay các chiến sĩ Biên phòng phải chọn những phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng độ tuổi. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các phong tục lạc hậu, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định, người dân biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.

Bà La Ham, một phụ nữ gốc Lào được mang quốc tịch Việt Nam từ năm 2019 bày tỏ: “Từ khi biết đọc, biết viết, mình thích đọc tin tức, xem tivi, nghe đài hơn. Đời sống văn hóa, tinh thần cũng từ đó mà phong phú hơn, biết được nhiều điều thú vị và bổ ích”. Biết đọc, biết viết, biết đếm và biết tự tay mình ký tên khi làm các giấy tờ, thủ tục..., điều tưởng như bình thường với bao người nhưng lại khá xa lạ, mới mẻ với nhiều phụ nữ đồng bào nơi vùng sâu, vùng xa biên giới này. Chính vì vậy, lớp học xóa mù chữ được mở ra với họ cũng là mở ra một tương lai mới cho những người phụ nữ vốn cả đời chỉ biết đến nương rẫy, chăm sóc con cái. Giờ đây, công việc hằng ngày của họ không chỉ cày cuốc, mà còn có những tập sách, từng con chữ.

Đại úy Hồ Xuân Lê, cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, các lớp học không chỉ giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống. Đặc biệt, biết được chữ sẽ giúp bà con có thêm động lực tìm hiểu và học tập các mô hình kinh tế vào lao động, sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để vận động, tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Được biết, ngoài các lớp học tại các điểm trường xã Ba Tầng này, thì vào năm 2022, các thầy cô giáo và chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng còn mở thêm nhiều lớp học khác dành cho phụ nữ như tại điểm trường thôn A Dơi Đớ và thôn Prin Thành (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa). Năm 2023, trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, các lớp xóa mù chữ cho các mẹ, các chị người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được triển khai tại 5 xã vùng biên.

Ngoài việc dạy chữ, các lớp học này sẽ tiếp tục lồng ghép những nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Tiêu Dao
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top