Ảnh minh họa
Khi nông nghiệp hàng hóa Lào Cai ngày càng phát triển, những diện tích trồng mận, lê, đào, cát cánh... càng được mở rộng, kéo theo sự phát triển đồng hành của ngành Du lịch, dịch vụ tại địa phương. Là những loại cây ôn đới, không chỉ cho giá trị về nông nghiệp, dược liệu, với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, nơi trồng tập trung các loại cây trên còn dần trở thành điểm check-in độc đáo, thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói".
Bắc Hà là thủ phủ mận tam hoa của Lào Cai và cả khu vực Tây Bắc với tổng diện tích hơn 600 ha. Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay, du khách đến với Bắc Hà dịp đầu Xuân tăng đột biến. Đặc biệt, vào mùa hoa mận Tam Hoa nở rộ, các khu vườn ở vị trí đẹp, thuận lợi về đường giao thông, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, check in và trải nghiệm.
Dịp này, du khách được chiêm ngưỡng một bầu trời hồng ngọt ngào của rừng đào phơn phớt, hoa cải vàng rực nương. Đặc biệt, cao nguyên được nhuộm sắc trắng tinh khôi của hoa mận nở trắng trời. Đã có dịp đến Lào Cai công tác, du lịch, nhiều lần được thưởng thức mận Bắc Hà song chị Đặng Thị Lệ Tâm cùng với những người bạn đến từ thành phố Thái Nguyên mới lần đầu tiên được đến với Bắc Hà đúng dịp mùa mận Tam Hoa bung nở. Xen lẫn không khí se lạnh và chút ánh nắng ấm áp đầu Xuân, chị Tâm cho biết, chị đặc biệt ấn tượng khi tận mắt chứng kiến rừng hoa mận bạt ngàn với sắc trắng tinh khôi đẹp như tranh vẽ, xen lẫn với những vườn hoa cải vàng rực rỡ ẩn mình dưới rặng núi hùng vỹ của vùng cao Tây Bắc.
Những ngày đầu tháng 3/2023, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân vùng cao Tả Van Chư, Bắc Hà khẩn trương lên nương, đồi trồng nốt diện tích cây dược liệu cát cánh niên vụ 2022-2023. Đây là vụ thứ 5 liên tiếp cây cát cánh được trồng trên vùng đất rẻo cao Tả Van Chư theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2022, cát cánh ở xã Tả Van Chư đã đem lại nguồn thu hơn 9 tỷ cho đồng bào Mông nơi đây. Cây cát cánh và các loại cây trồng khác không chỉ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở địa phương mà còn thúc đẩy phát triển du lịch tại khu vực thượng huyện này.
Ông Giàng Seo P Lấu, Trưởng thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư cho biết: Từ khoảng 5 - 6 năm nay, thôn Lả Gì Thàng đón rất nhiều khách du lịch lên ngắm cảnh, đặc biệt vào mùa Xuân khi hoa mận Tả Van, hoa lê nở trắng, hay vào mùa hè, thu từ tháng 6-9 là mùa hoa cát cánh nhuộm sắc tím biếc. "Vui hơn hết, bà con người Mông chúng tôi trồng mận, lê, cát cánh có thu nhập ổn định. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả"...
Từ năm 2020, Dự án phát triển cây cải dầu đã được UBND thị xã Sa Pa thực hiện tại thôn Lồ Lao Chải (xã Hoàng Liên) và thôn Tả Van Giáy 2 (xã Tả Van). Với chủ trương vận động đồng bào thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, các cán bộ nông nghiệp của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Sa Pa đã phổ biến kỹ thuật, làm mẫu, hướng dẫn bà con quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch cây cải dầu, kết hợp với quảng bá, khai thác du lịch trải nghiệm.
Thời điểm này, Lồ Lao Chải và Tả Van Giáy 2 đang trở thành điểm đến hấp dẫn tại Sa Pa với những đồi hoa cải tuyệt đẹp. Nằm ở vị trí đắc địa trên đồi cao với view nhìn ra cánh đồng cải dầu ngập tràn sắc vàng, Homestay Comlam Eco những ngày đầu năm 2023 luôn tấp nập khách trong và ngoài nước đặt phòng lưu trú hoặc nghỉ ngơi dừng chân, dùng bữa, ngắm cảnh.
Bà Vàng Nguyên - chủ homestay cho biết, địa phương có nhiều mô hình du lịch sinh thái phát triển. Yếu tố quan trọng nhất của sinh thái là phải giữ được môi trường trong lành. Mỗi vườn cây, vườn hoa được thâm canh theo đúng hướng an toàn, hữu cơ. Khách đến tham quan được ăn, ở, trải nghiệm trong không gian xanh của nông thôn. Nguồn thu chính không phải từ năng suất nông sản mà là từ dịch vụ du lịch.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Sa Pa, mô hình trồng cải dầu kết hợp với du lịch tại Sa Pa đã đem lại hiệu quả kinh tế kép, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Trong đó, thu từ việc bán rau, ngồng, hạt cải… là 40 triệu đồng/ha; thu từ phát triển du lịch thông qua các dịch vụ như chụp ảnh, cho thuê quần áo, phục vụ nhu cầu ăn uống… là 60 triệu đồng. Việc trồng rau cải và tăng vụ cải dầu trên đất ruộng lúa một vụ trước đây không chỉ giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn danh thắng ruộng bậc thang, phát triển du lịch bền vững và thân thiện với môi trường.
Nhiều địa phương vùng cao Lào Cai đã bước đầu thành công trong việc đưa các loại cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất gắn liền với phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ...; hạn chế tình trạng chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất sử dụng mục đích khác; thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất; hạn chế thả rông gia súc, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế từ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch, trong thời gian từ năm 2023 đến năm 2025, tỉnh Lào Cai triển khai “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới” tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn; tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.
Theo đó, bên cạnh việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các địa phương cải tạo cảnh quan, không gian quanh khu vực sản xuất tạo tiền đề cho phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp (Farmstay), du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá bản địa; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” theo quy định.
Để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, Lào Cai xác định hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn; quảng bá du lịch nông thôn thông qua tổ chức các sự kiện, diễn đàn giới thiệu, chương trình Famtrip đối với các hãng lữ hành và truyền thông. Tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các hãng truyền thông, các hãng lữ hành ở trong và ngoài nước hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch với các xã, huyện có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn để giới thiệu các sản phẩm du lịch nông thôn.