Ảnh minh họa
Theo già làng A Ren, vị chủ tế lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm ở làng Le, lễ mở cửa kho lúa (hay còn gọi Tết cơm mới) chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên, mong có cuộc sống no đủ, tốt lành.
Hằng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kỹ trong kho, người Rơ Măm lại tổ chức lễ mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn các thần linh đã ban cho dân làng có được một vụ mùa bội thu.
Trong lễ hội, người Rơ Măm phân công công việc cho từng người, từng gia đình. Nhóm thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm việc sửa chữa nhà rông, nhóm khéo tay hơn sẽ được phân công làm và trang trí cây nêu.
Trong lễ mở cửa kho lúa, người Rơ Măm sẽ làm ba cây nêu với kích thước dài, ngắn khác nhau tùy theo vật hiến sinh.
“Lễ mở cửa kho lúa được chia làm ba ngày với các lễ vật như: dê trắng, dê đen, gà trắng, gà đen, trâu trắng và trâu đen đem tới nhà rông truyền thống để làm vật hiến tế cho Yàng”, già làng A Ren cho biết.
Ngày thứ nhất, khi mặt trời vừa lên, các gia đình mang lễ vật gồm heo, gà, rượu lên rẫy để mở cửa kho lúa. Đến nơi, đàn bà nhóm lửa, đàn ông chuẩn bị các điều kiện và nghi lễ cần thiết.
Ông chủ làm cầu thang đưa hồn lúa về nhà, làm thịt heo, cắt tiết gà, đặt gan con vật lên tai ghè, gắn cây nến nhỏ bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng ghè và bắt đầu cầu khấn, xin được no đủ cùng những điều tốt lành.
Sau khi chủ nhà khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy máu con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho, người đàn bà lấy những gùi lúa đầu tiên. Sau đó, chủ nhà cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu và mọi người gùi lúa về làng.
Lúc này, tại nhà rông, già làng tiến hành nghi lễ cộng đồng với sự có mặt của tất cả các chủ gia đình. Khi già làng làm lễ xong, các chủ gia đình lấy ý thiêng từ “ngọn lửa thần” trên miệng ghè của cộng đồng về nhà mình để nhóm lửa từng bếp gia đình và chuẩn bị cho bữa cơm mới đầu năm.
Ngày thứ hai, già làng buộc con heo nhỏ vào cây nêu, cắm cần rượu nghi lễ xin phép Yàng: “Hôm nay dân làng làm lễ mở cửa kho lúa, làng có ăn trâu, đây là con trâu của Yàng. Xin Yàng hãy vui lòng nhận lấy và hãy giúp đỡ chúng con có nhiều trâu hơn, nhiều lúa nhiều bắp, để dân làng được no đủ...”.
Đến ngày cuối của lễ được gọi là ngày ăn đầu trâu, già làng làm lễ hạ Yàng. Đám rước Yàng và đầu trâu lên nhà rông, già làng làm lễ tại nhà rông. Lúc này, già làng tiến hành một cách cẩn thận nghi thức rất quan trọng là lễ rửa Yàng.
Dân làng lấy rượu ghè pha với các loại lá rừng, thành một thứ nước mầu, có mùi thơm để rửa vật tổ một cách cẩn thận trước khi đặt vào giỏ và gắn cây nến nhỏ làm bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng giỏ, bắt đầu lời khấn Yàng: “Xin Yàng giúp cho dân làng được nhiều lúa ở vụ sau, dân làng không đau ốm dịch bệnh, hẹn sang năm làng lại tiếp tục làm lễ mời Yàng cùng về tham dự…”.
Sau khi khấn xong, già làng đặt Yàng lên đúng vị trí trang trọng nhất trên nóc nhà rông trong niềm vui mãn nguyện của lòng thành đã được chứng giám. Dân làng sau khi tham gia lễ sẽ cảm thấy mình như được gột rửa toàn bộ những phàm tục của đời thường, những gian khổ và tội lỗi được tẩy trần. Sau phần nghi lễ trang trọng, dân làng tập trung ở sân nhà rông cùng hát múa, thưởng thức cơm lam, mời nhau ché rượu cần.
Lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm ở làng Le mang hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu, có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao. Lễ mở cửa kho lúa thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người; bày tỏ tri ân, cảm tạ của con người đối với vật hiến sinh và thần linh.