Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 nhằm nâng cấp, vận hành Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng đảm bảo kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử qua tất cả các cấp chính quyền của Bộ và kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản trao đổi, hồ sơ công việc tái cấp Bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt 100% đối với các nội dung không mật; khai thác sử dụng triệt để hộp thư điện tử được cấp, các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn; xây dựng, khai thác dịch vụ nền tảng để đăng nhập các hệ thống thông tin theo cơ chế đăng nhập một lần (SSO-Single Sign On)...
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, ngành Công Thương cũng phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử; 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu được tích hợp lên cơ chế một cửa Quốc gia; hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp của Bộ Công Thương với Hệ thống của Chính phủ, đảm bảo tiếp nhận 100% thông tin phản ánh của người dân và chuyển cho các đơn vị liên quan giải quyết. Công bố 100% thông tin phản hồi đảm bảo người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin một cách chính xác và kịp thời...
Nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp
Để thực hiện các nhiệm vụ kể trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra lộ trình thực hiện với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Đi kèm với từng nhiệm vụ là những giải pháp cụ thể trong đó có việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ để triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025. Trong đó, đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ yêu cầu phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, góp phần hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột, xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh, vận hành thông minh để tạo ra các sản phẩm thông minh...
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010-2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của đơn vị trực thuộc Bộ. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Trung ương, qua các năm, từ vị trí cuối bảng, Bộ Công Thương đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Cụ thể, năm 2017, Bộ Công Thương ở vị trí 17/19, năm 2018 đã vươn lên vị trí thứ 2/19 và 2/17 vào năm 2019.