Không để dịch Covid-19 bùng phát

Thứ năm, 22/09/2022 17:24

Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới sẽ công bố một số hướng dẫn mới về xét nghiệm, tiêm chủng, truyền thông nguy cơ, quản lý dịch bệnh... để các nước triển khai. Tại nước ta, các chuyên gia dịch tễ cho rằng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cho nên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

20221028-m33-ncovi.jpg

Ảnh minh họa

Tổ chức Y tế thế giới khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Vắc-xin vẫn là giải pháp quan trọng

Dịch được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới nêu rõ, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Do vậy, vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm được gần 259,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, là một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc-xin chưa bảo đảm yêu cầu; tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, thấp. Nhiều tỉnh, thành phố tiêm chậm, thấp dưới mức bình quân chung của cả nước các mũi 3 và 4; tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiêm vắc-xin theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vắc-xin do vắc-xin khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế-xã hội…

Với mục tiêu đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vắc-xin...

Bộ Y tế thường xuyên có đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ hai mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; tổ chức các điểm tiêm lưu động, tại nhà, tiêm vét tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp; tổ chức rà soát vận động tiêm vắc-xin để hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi.

Tại chiến dịch tiêm vắc-xin "Vui Trung thu, tựu trường an toàn", Bộ Y tế đề nghị các tổ chức đảng và chính quyền các cấp ở tất cả các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo ngành giáo dục, ngành thông tin truyền thông phối hợp với ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nêu rõ lợi ích và hiệu quả của tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, nhất là đối với những người có nguy cơ cao và trẻ em; vận động cha mẹ học sinh đồng thuận để con mình trong độ tuổi từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm vắc-xin mũi 3; các em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin. Phấn đấu hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho các nhóm học sinh trong tháng 9 này.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chức năng bên cạnh việc hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cũng khắc phục ngay tình trạng thiếu tạm thời tại một số nơi do mở rộng đối tượng tiêm chủng, chỉ định tiêm liều nhắc lại và việc đề xuất nhu cầu vắc-xin chưa sát, thấp hơn so với thực tế trong thời gian trước đây.

Liên quan tới việc thiếu cục bộ vắc-xin Moderna phòng Covid-19 cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã cung cấp đầy đủ cho các tỉnh, thành phố để ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna.

Tuy nhiên, một số địa phương đã sử dụng vắc-xin Moderna để tiêm nhắc cho người lớn dẫn tới thiếu hụt cho trẻ em. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã điều chuyển vắc-xin giữa các địa phương và nỗ lực phối hợp với UNICEF để có thể sớm tiếp nhận vắc-xin Moderna, bảo đảm trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ liều.

Bài toán linh hoạt, hiệu quả và ba trụ cột

Từ đầu tháng 9 đến nay, tính trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng gần 2.500 ca mắc Covid-19, tăng so với những tháng trước đây. Bên cạnh đó, số ca bệnh nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế cũng tăng trong thời gian gần đây; nhiều ngày liên tục ghi nhận các ca tử vong do Covid-19, có ngày ghi nhận đến năm trường hợp.

Hiện tại, các số lượng người nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng ngày càng nhiều, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy những ngày đầu tháng 9 ghi nhận 73 trong số 91 (80,2%) mẫu xét nghiệm là biến thể BA.5.

Trong khi đó, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được bảo đảm, nhất là nguồn nhân lực; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chưa đồng đều, chưa nhất quán...

Chính vì vậy, Bộ Y tế và các địa phương bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra.

Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới...

Đáng chú ý, để tiếp tục bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn)+Vaccine +Thuốc+Điều trị+Công nghệ+Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với ba trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị), đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, Bộ Y tế cũng đã xây dựng hướng dẫn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới như chỉnh sửa và ban hành hướng dẫn đeo khẩu trang tại nơi công cộng; xây dựng các thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch…

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" với mong muốn các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội và toàn thể người dân hãy cùng hành động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị, tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Minh Giang (Báo Nhân Dân)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top