Hội viên Hoàng Văn Phương tích cực SXKD mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Nhắc tới hội viên SXKD giỏi của Hội Nông dân huyện không thể không kể đến hội viên Đặng Văn Hồng - bản Pắc Ta (xã Pắc Ta) vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay trắng. Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồng và được nghe anh chia sẻ: Xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã trải qua biết bao khó khăn vất vả. Trước đây, gia đình chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, sau đó chuyển sang một số dịch vụ nhưng quy mô nhỏ, thu nhập không đáng kể. Đến năm 2010, tôi quyết định vay 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng số tiền tích lũy mở đại lý cung ứng vật liệu xây dựng và mua ôtô làm dịch vụ vận tải chuyên chở vật liệu và làm thêm dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, việc kinh doanh bước đầu có khởi sắc. Sau 5 năm, tôi trả hết nợ vay ngân hàng, có vốn mở rộng quy mô kinh doanh. Tới năm 2014, tôi quyết định thành lập Hợp tác xã Việt Hoàng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Nhờ ý chí vươn lên và sự ham học hỏi, anh Hoàng Văn Phương ở bản Hô Ta (xã Phúc Khoa) đã có được những thành công từ mô hình nuôi lợn. Anh Phương sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, tuổi thơ cơ cực, có thời điểm khó khăn anh phải lên núi mót sắn, khoai, ngô về ăn. Chỉ vì nghèo mà anh không được đi học như bao bạn bè. Sau khi kết hôn, dù chăm chỉ, chịu khó nhưng với diện tích ruộng ít ỏi rồi 2 đứa còn lần lượt chào đời, khó khăn gia đình anh thêm chồng chất. Vợ chồng anh quyết vay vốn của gia đình, họ hàng xây chuồng trại chăn nuôi, ban đầu với quy mô 5 - 10 con lợn thịt và 1 - 2 con lợn nái, tận dụng nguồn phụ phẩm (bỗng rượu) và thức ăn tinh từ trồng trọt. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cùng ý chí quyết tâm làm giàu bằng nghề nuôi lợn, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ anh phát triển quy mô nuôi 20 - 30 con lợn thịt/lứa và 5 lợn nái. Năm 2014, nhận thấy giống lợn địa phương không còn năng suất cao và khó kiểm soát dịch bệnh nên anh Phương mạnh dạn chuyển sang nuôi lợn siêu nạc và chăn nuôi lợn phối giống phục vụ Nhân dân trong bản. Để có thêm nguồn vốn, anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên. Trời không phụ công người, công việc chăn nuôi của anh “thuận buồm xuôi gió”, cao điểm nhất đàn lợn nhà anh lên tới trên 60 con và 7 con lợn nái, mỗi năm anh xuất bán ra thị trường hơn 5 tấn lợn hơi, thu nhập trên 250 triệu đồng.
Ngoài chăn nuôi lợn, anh Phương còn đầu tư đào ao nuôi cá với diện tích 4.000m2; 20 con thỏ, nấu rượu… Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh hăng hái gương mẫu tham gia giúp đỡ người dân trong bản mỗi khi cần về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi… Anh cũng tích cực ủng hộ, đóng góp xây dựng các công trình công cộng tại địa phương theo phương châm ”Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phổ biến rộng rãi đã tạo khí thế thi đua trong các cấp Hội và từng hội viên nông dân trong huyện. Xác định đây là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã đẩy mạnh phong trào bằng các việc làm thiết thực, cụ thể nhằm thu hút đông đảo hội viên tham gia. Theo đó, các cấp Hội tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, dạy nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận, đưa ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn chỉ đạo các cấp Hội đứng ra tín chấp, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhằm hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế, đến nay tổng dư nợ trên 43 tỷ đồng với 1.663 hộ vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai cho hội viên vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn với tổng dư nợ trên 89 tỷ đồng/891 hộ vay; phối hợp với Công ty Cổ phần Suppe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón trả chậm giúp cho hàng nghìn hộ nông dân thiếu vốn có điều kiện đầu tư thâm canh cây trồng; tổ chức 10 hội nghị hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón với hơn 650 hội viên tham gia… cùng nhiều hoạt động thiết thực khác. Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cũng góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh, chỉ đạo phong trào, khích lệ hội viên thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững./.