Đoàn công tác bao gồm các cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ đã thực hiện khảo sát dịch vụ công trực tuyến tại 12 bộ và tỉnh, thành phố gồm: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Hà Nội, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Việc khảo sát nhằm đánh giá kết quả thực hiện, xác định khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, phục vụ cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuận lợi và hiệu quả, đáp ứng nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý về giao dịch điện tử và chữ ký số được các cơ quan chú trọng và chủ động thực hiện. Hầu hết các cơ quan được khảo sát đã ban hành quy chế, quy định về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các hoạt động công vụ tại đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã quan tâm và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ như một công cụ thường dùng trong hoạt động công vụ hàng ngày.
Công tác cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Thông tư số 185/2019/TT-BQP ngày 04/12/2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Việc cung cấp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ tại Bộ phận Một cửa các cấp cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương. Nhiều tỉnh đã triển khai cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho 100% cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu sử dụng trên các dịch vụ công, điển hình như: Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Nguồn lực phục vụ triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được các cơ quan ưu tiên, đảm bảo hoạt động ký số đồng bộ, thống nhất. Cơ bản đội ngũ nhân lực triển khai về chữ ký số tại các bộ, tỉnh được khảo sát đã phát huy được vai trò, trách nhiệm và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện tại. Đặc biệt, có cơ quan đã xây dựng đội ngũ nhân lực có đủ khả năng phát triển và tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng công nghệ thông tin; có hệ thống tổng đài viên phục vụ hỗ trợ thuê bao sử dụng chữ ký số trên các hệ thống điện tử, trong đó có hỗ trợ về sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cổng Dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương cơ bản đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các bộ, tỉnh đã được tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, có cơ quan đạt 100% số lượng dịch vụ công toàn trình sử dụng chữ ký số. Số lượng dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến có cơ quan đạt tỷ lệ gần 100%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các dịch vụ công trực tuyến còn có một số khó khăn như:
- Một số địa phương chưa nắm rõ quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; chưa thành thạo trong cài đặt và khai thác chức năng trên phần mềm ký số, đặc biệt là đối tượng công chức, viên chức lớn tuổi.
- Việc đăng ký cung cấp và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại Bộ phận Một cửa cấp xã, có tỉnh chưa thực hiện đầy đủ. Việc tiếp nhận và trả hồ sơ của công chức tại bộ phận này còn thực hiện thủ công trên môi trường giấy tờ truyền thống.
Những năm tiếp theo, dự báo nhu cầu ứng dụng, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là rất lớn. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, triển khai sử dụng chữ ký số trên cổng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo hiệu quả và đồng bộ, thời gian tới các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đối tượng được cấp chữ ký số. Hướng dẫn cán bộ, công chức sử dụng thành thạo chữ ký số trên các dịch vụ công trực tuyến.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá cả thường xuyên và đột xuất để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc, từ đó có các biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả.
- Tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu và đăng ký yêu cầu cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng tại Bộ phận Một cửa các cấp; Đảm bảo 100% cán bộ, công chức tại Bộ phận Một cửa được cấp chữ ký số sử dụng trong điều hành, tác nghiệp.