Qua kết quả kiểm tra thực tế công tác CCHC trên địa bàn năm 2022 của Đoàn kiểm tra công tác CCHC huyện Trực Ninh cho thấy, các xã, thị trấn đã có tiến bộ so với những năm trước nhưng còn những hạn chế, đó là: Người đứng đầu của một số địa phương chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác CCHC; công chức ở một số đơn vị chưa hiểu hết chức năng nhiệm vụ được phân công. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành chưa cao; người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến dẫn đến số lượng hồ sơ, TTHC được nộp, xử lý trực tuyến còn hạn chế. Công tác cải cách TTHC theo cơ chế một cửa chưa đạt yêu cầu, có nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chất lượng thấp. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết chưa được rà soát, cập nhật để công khai kịp thời; sổ sách theo dõi việc giải quyết các TTHC của bộ phận “một cửa” chưa được ghi chép đầy đủ theo quy định.
Để công tác CCHC đi vào nền nếp, các huyện đều đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp thiết thực, khẩn trương khắc phục những hạn chế nêu trên. Trong đó, các biện pháp được các huyện yêu cầu tập trung thực hiện gồm: Yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải nghiêm túc thực hiện đúng trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện công tác CCHC theo quy định tại Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 25-4-2017 của UBND tỉnh. Thực hiện phân công nhiệm vụ cho công chức chuyên môn đảm bảo hợp lý, công bằng về khối lượng công việc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan đối với cán bộ, công chức trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, nhất là đối với công chức trực tiếp giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”; thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ, công chức và xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hàng năm gắn với trách nhiệm trong việc thực hiện CCHC; nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân của cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình thì Thủ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Khẩn trương rà soát, niêm yết, công khai đầy đủ Danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, TTHC liên thông và các nội dung khác (như: nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; niêm yết công khai các loại phí, lệ phí của từng lĩnh vực, thông tin cán bộ công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”… ) tại bộ phận “một cửa” của đơn vị và trên Trang thông tin điện tử của địa phương theo đúng quy định. Chỉ đạo bộ phận “một cửa” của địa phương phải cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác 100% hồ sơ giải quyết TTHC (bao gồm cả hồ sơ giải quyết TTHC lĩnh vực chứng thực) lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, tuyệt đối không được để hồ sơ quá hạn trên Cổng Dịch vụ công; thực hiện đúng quy định khi tiếp nhận và trả kết quả như: thiết lập sổ theo dõi theo từng lĩnh vực, phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả; phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết TTHC. Quan tâm, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết như máy tính kết nối mạng internet, máy scan tốc độ cao… tại bộ phận “một cửa” để đảm bảo thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử thuộc phạm vi tiếp nhận từ ngày 01-6-2023 và phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin TTHC, tra cứu kết quả giải quyết TTHC. Triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp và đảm bảo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, số hoá hồ sơ, trả kết quả điện tử và thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức và nhân dân tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. UBND các huyện cũng giao Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện được giao nhiệm vụ phụ trách các lĩnh vực công tác CCHC có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc khắc phục các hạn chế trong công tác CCHC đảm bảo tuân thủ đầy đủ, đúng quy định.
Với các biện pháp kể trên, các địa phương quyết tâm khẩn trương khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, giảm tối đa phiền hà, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi phải thực hiện các TTHC, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh./.