Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được chỉ tiêu theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; cắt giảm, đơn giản hóa 263/720 quy định kinh doanh (tỷ lệ 36,5%); tổng chi phí tuân thủ tiết kiệm được là 64.199.220.977 đồng (tỷ lệ 43,7%). Trong năm 2022, ngoài Quyết định số 1994/QĐ-TTg, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 21 quy định kinh doanh.
Về việc ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kiên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có 55 phương án cắt giảm, đơn giản hóa trong các lĩnh vực an toàn thông tin; bưu chính; xuất bản, in và phát hành; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được thực thi và 06 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Việc thực hiện tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động về phương án phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được quan tâm thực hiện rộng rãi qua nhiều hình thức khác nhau bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, gồm: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo; góp ý thông qua trang thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ,… Từ đó, các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi các văn bản hiện hành thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát theo các nhiệm vụ được giao bao gồm các Luật Báo chí, Bưu chính, Giao dịch điện tử (sửa đổi), Công nghệ thông tin và Viễn thông. Nội dung rà soát đã được Bộ báo cáo và gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.
Về công tác Cải cách việc thực hiện quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh: Các thủ tục hành chính được thực hiện tái cấu trúc quy trình để sẵn sàng tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo đúng lộ trình, mục tiêu tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó: Tổng số lượng thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ là 307 thủ tục (cấp Bộ: 262 thủ tục, cấp địa phương: 45 thủ tục). Tổng số dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ là 319 dịch vụ (thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp Bộ là 274 dịch vụ; cấp địa phương là 45 dịch vụ). Tỷ lệ thủ tục hành chính được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 52% (137/262 dịch vụ công).
Thực hiện đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Bộ đã tổ chức cho các chuyên viên đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tham gia tập huấn trực tuyến về việc chuẩn hóa Danh mục kết quả, hồ sơ thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành xong việc chuẩn hóa Danh mục kết quả, hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống nêu trên.
Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính và thanh toán trực tuyến trên môi trường điện tử, toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện thủ tục giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được tối đa thời gian, chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Hệ thống thử nghiệm Cổng Dịch vụ công của Bộ đã kết nối đồng bộ hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp dùng chung nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia cho phép thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công./.