Kết quả cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh năm 2020

Thứ ba, 23/02/2021 10:02

Theo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2021, trong năm 2020, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh đã được Chính phủ tập trung triển khai như sau:

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (Luật Đầu tư 2020), theo đó đã bãi bỏ 23 ngành, nghề và bổ sung 10 ngành, nghề. Cụ thể như sau:

- Tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2020 bao gồm: 227 ngành nghề; xét về số lượng, đã giảm bớt 16 ngành, nghề so với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư 2014.

- Mười (10) ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được bổ sung vào Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm: (i) Hoạt động phụ trợ bảo hiểm; (ii) Cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AIDS, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em; (iii) Kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt); (iv) Kinh doanh dịch vụ kiến trúc; (v) Kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu; (vi) Kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử; (vii) Kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu; (viii) Đăng kiểm tàu cá; (ix) Đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá; và (x) Cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 02/10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được bổ sung (Kinh doanh dịch vụ kiến trúc và Đăng kiểm tàu cá) là đã có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh tương ứng; 08/10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn lại chưa ban hành được các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư các năm 2014 và 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện một nỗ lực lớn của Quốc hội và Chính phủ trong quyết tâm cải thiện chất lượng quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Luật Đầu tư 2020 đã bãi bỏ được 23 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đã nêu ở trên) và hàng nghìn điều kiện đầu tư kinh doanh khác đã được bãi bỏ theo yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Điều này góp phần lớn vào minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh và hiện thực hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của người dân trong ngành, nghề mà luật không cấm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 7992/BKHĐT-QLKTTW ngày 03/12/2020) cũng đã nhấn mạnh bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hệ thống các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn nhiều điểm bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung và đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Cụ thể là làm giảm cạnh tranh, gia tăng thêm chi phí kinh doanh, giảm năng suất, giảm động lực đổi mới sáng tạo, cản trở mô hình kinh doanh mới, tạo rủi ro cho kinh doanh và tạo dư địa của nhũng nhiễu và chi phí không chính thức.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 12/5/2020, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của Chương trình là trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành; đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Đây là một Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay. Theo đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP yêu cầu các Bộ, ngành thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (bao gồm quy định TTHC, quy định về chế độ báo cáo, về yêu cầu điều kiện trong hoạt động kinh doanh, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu) áp dụng đối với các văn bản đang có hiệu lực và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để làm cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, Nghị quyết số 68/NQ-CP cũng hướng tới cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện các quy định nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan hành chính và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, nhiều Bộ, ngành đã tích cực xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.../.

PHÒNG KSTTHC – VĂN PHÒNG BỘ TTTT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top