Thủ phạm từ thuốc lá
Ông Nguyễn Văn Q. trú tại Nam Định đi khám bệnh với lý do nuốt nghẹn kèm theo đau bụng. Người nhà của bệnh nhân, ông Q. phát hiện bệnh 1 tháng nay với các triệu chứng như đau bụng, nuốt vướng nên đã đi khám.
Điều đáng nói là bệnh nhân có tiền sử nhiều năm liền hút thuốc lào, thuốc lá.
Bác sĩ bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, bệnh nhân Q. nhập viện với triệu chứng đau bụng, nuốt khó. Sau khi được thăm khám và làm các thủ tục xét nghiệm, bác sĩ đã phát hiện anh Q. bị ung thư xoang lê sụn phễu (phải).
Vì thế, đã chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối K xoang lê sụn phễu P, nạo vét hạch.
Đây là loại ung thư hạ họng hay gặp nhất ở Việt Nam (trên 80%). Các triệu chứng lâm sàng đầu tiên thường gặp nhất là nuốt khó một bên (71%) hoặc cảm giác khó chịu ở một bên họng, đặc biệt khi nuốt nước bọt.
Sau vài tuần hoặc vài tháng, cảm giác nuốt ngày càng tăng dần, triệu chứng nuốt đau nhói lên tai ngày càng rõ, đôi khi khạc ra đờm nhày có lẫn máu. Dần dần xuất hiện nói khó do khối u đã bắt đầu lan vào thành họng, thanh quản hoặc do phù nề gây nên.
Bệnh nhân hầu hết đến viện muộn
Đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn nên75% đã có hạch cổ (Viện Tai Mũi Họng 1960-1988) hay gặp là hạch cổ một bên, còn hạch 2 bên hoặc hạch đối diện chỉ chiếm tỉ lệ 5-8%.
Trên lâm sàng hạch sờ thấy một bên chiếm khoảng 45% nhưng qua phẫu thuật, số lượng hạch cũng như nhiều nhóm hạch nghi ngờ đã bị di căn thường cao hơn, phần lớn dính lại thành một khối (65%) và trên 2/3 đã bị cố định (Viện Tai Mũi Họng), các hạch này thường dính với các mạch máu lớn hoặc các cơ vùng cạnh cổ.
Trong1/3 trường hợp, khi đến khám thì đã sờ thấy hạch cổ.
Chính vì các triệu chứng lâm sàng cũng như hạch cổ ở giai đoạn đầu khá kín đáo, ít rầm rộ hoặc tồn tại một thời gian quá dài làm cho người bệnh dễ bỏ qua, không đến khám vì vậy, khi bệnh nhân đến khám hoặc do tuyến dưới chuyển lên thì trên 80% đã ở giai đoạn muộn.
Theo thống kê của viện Tai Mũi Họng trên 60% bệnh nhân khi đến khám đã quá 6 tháng so với thời gian xuất hiện các triệu chứng trên.
Như trường hợp của ông Trần Văn Tr. 68 tuổi, Phú Thọ đến bệnh viện khám và chẩn đoán ung thư xoang lê nhưng bệnh đã ở giai đoạn muộn, phần lớn xoang lê đã bị thâm nhiễm dưới hình thái một u loét thâm nhiễm, xung quanh bị phù nề.
Các bác sĩ cho biết rất nhiều bệnh nhân như ông Tr. vì đến viện quá muộn. Lúc này, nửa thanh quản bị cố định, chỉ có thể xác định khối u qua soi họng thanh quản trực tiếp kết hợp với chụp phim thanh quản cắt lớp.
Tuy nhiên, một số trường hợp khối u còn tương đối khư trú hoặc ở phần trên xoang lê (phần màng), hay gặp thể loét thâm nhiễm hoặc sùi và phần lớn thanh quản còn di động, thường lan lên trên hoặc vào trong vùng họng miệng và ngã 3 của nẹp, hoặc ở phần dưới xoang lê (phần sụn), cũng hay gặp thể loét ôm chặt lấy vòng nhẫn và cành sụn giáp, nửa thanh quản bị cố định
.
Chẩn đoán tương đối khó, nếu ta soi thanh quản gián tiếp thì chỉ phát hiện được một vùng của xoang lê, hay một ứ đọng đờm rãi hoặc chỉ thấy nửa thanh quản bị cố định. Vì vậy, bắt buộc phải dùng ống nội soi trực tiếp.
Trong thực tế, khi một bệnh nhân đến khám nghi có hạch cổ di căn ung thư thì phải kiểm tra kĩ hạ họng, nhất là phần dưới xoang lê.
Một số trường hợp sau đây cần chẩn đoán phân biệt với phù nề một bên nẹp phễu thanh thiệt hoặc phần màng xoang lê do một chấn thương hay một dị vật, một thương tổn lao thể loét sùi của xoang lê (ở Việt Nam mấy năm gần đây thường hay gặp) ứ đọng đờm rãi xoang lê hai bên do hẹp đoạn thực quản cổ, một khối u vùng cổ gây chèn ép làm cho miệng xoang lê không mở được.
Nhiều báo cáo ở các hội nghị quốc tế đều cho rằng hút thuốc lá là một trong các yếu tố có liên quan đến ung thư phổi cũng như ung thư thanh quản, ung thư vùng hạ họng, xoang lê.
Vì vậy cần phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và thông qua các biện pháp của nhà nước để ngăn cấm tình trạng hút, nghiện thuốc lá.
Mặt khác, cần thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để phổ biến các kiến thức cơ bản về loại ung thư này để người bệnh đến khám được càng sớm thì hiệu quả càng cao.