Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Trưởng Tiểu ban phát triển nhân lực chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục, thành viên Tiểu ban Phát triển nguồn nhân lực và các Bộ, Ban, ngành có liên quan.
Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học, các ủy viên Hội đồng, thành viên Tiểu ban đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vấn đề chuyển đổi số cho giáo dục đào tạo; chính sách và mô hình phát triển đào tạo trực tuyến; tăng cường phổ cập môn tiếng Anh và môn ICT trong chương trình giáo dục; giải pháp phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu mở, kết nối dữ liệu quốc tế…
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban phát triển nhân lực nhấn mạnh: Câu chuyện giáo dục là câu chuyện lớn được nhiều người quan tâm. Trong CMCN 4.0, những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, chuyển đổi số sẽ tạo ra những thay đổi lớn lớn cho ngành Giáo dục. Thay vì trước đây giáo viên tập trung vào giảng dạy mất nhiều công sức, thời gian, nay giáo viên chuyển sang hướng dẫn nhiều hơn; học sinh thay vì học rồi làm, nay đi làm rồi đi học, vừa đi học vừa đi làm,… Bởi vậy, chuyển đổi số trong giáo dục làm cho việc giảng dạy và học tập trở nên dễ dàng hơn, tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, thông qua việc tự học và học tập suốt đời.
Cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số tập trung thay đổi về phương thức và mô hình, đặc biệt là mô hình quản trị, mô hình kinh doanh và phương thức tiếp cận mới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc đổi mới sáng tạo quyết định tương lai của cả một quốc gia, tinh thần khởi nghiệp quan trọng hơn kiến thức học được.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, chuyển đổi số đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị, mà quyết tâm chính trị thì Việt Nam là quốc gia một Đảng lãnh đạo nên rất thuận lợi. Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự góp ý là cần phải có một Nghị quyết chính trị về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Và Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất và trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị về Nghị quyết chuyển đổi số trong giáo dục thời gian tới.
Sau khi có Nghị quyết rồi thì phải có Chiến lược chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Khi xây dựng Chiến lược cần ngắn gọn, nêu rõ nội hàm. Hai việc này phải xong trong Quý I/2021. Đây là cơ hội mà ngành GD&ĐT cần nắm bắt để chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Đồng thời phải có một số quyết định mang tính thể chế, như cho phép giáo viên phổ thông sử dụng video của 1 giáo viên dạy giỏi để chiếu, phổ biến đến học sinh, sinh viên và tiếp theo là hướng dẫn học sinh học tập. Đổi mới ngành Giáo dục là phụ thuộc vào người đứng đầu, phải có quyết tâm rất cao từ người đứng đầu.
Toàn cảnh phiên họp
Sau Nghị quyết, thể chế là công cụ. Cần sớm triển khai một platform trong ngành Giáo dục nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Bộ trưởng nêu dẫn chứng, Việt Nam chúng ta 20 năm triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, sau 19 năm đến hết năm 2019 được 8%, còn 92% vẫn là sử dụng văn bản giấy. Qua tìm hiểu thực tế, mỗi tỉnh lại sử dụng một phần mềm, cả nước cả nghìn phần mềm. Tỉnh Bến Tre là tỉnh rất khó khăn, khi Bộ TT&TT hỗ trợ tỉnh xây dựng chính quyền điện tử, triển khai chuyển đổi số đã đưa Bến Tre từ tỉnh có 6% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, và mức độ 4; lên 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trong 3 tháng khi dùng platform. Do vậy việc ứng dụng platform là công cụ quan trọng nhất thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo đi nhanh và bền vững, Bộ trưởng gợi ý.
Bên cạnh đó, cần triển khai bảo đảm ATTT mạng với mô hình 4 lớp trong hệ thống giáo dục đào tạo (nhất là đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở thực hành). Trong những năm trước, việc đảm bảo ATTT mô hình 4 lớp dưới 5% tại các bộ/ngành/địa nhưng chỉ trong 2020 các Bộ/ngành/địa phương đảm bảo mô hình 4 lớp này đạt 100%.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thông qua chuyển đổi số để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài phát triển thịnh vượng, chinh phục thế giới. Bộ trưởng lưu ý, trong lúc Nghị quyết, Chiến lược về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo chưa ban hành thì vẫn tiếp tục triển khai làm. Phấn đấu đến tháng 6/2020 sẽ công bố nền tảng chuyển đổi số cho giáo dục (ứng dụng platform trong giáo giục). Làm tốt câu chuyện chuyển đổi số thì sẽ giải quyết nhiều việc khác. Muốn chuyển đổi số thành công thì người đứng đầu phải thay đổi nhận thức, quyết liệt, quyết tâm làm./.