Hiệu quả từ chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thanh Sơn

Thứ năm, 03/08/2017 10:58

Huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) hiện có 8 xã, 23 thôn đặc biệt khó khăn và 6 xã thuộc chương trình 229 với trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng, Chính phủ được triển khai đồng bộ hiệu quả trên địa bàn huyện như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo... đã tích cực đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống, giúp nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn từng bước giảm nghèo bền vững.

20170821-m9.jpg

Là hộ nghèo, gia đình anh Hà Văn Đước, xóm 1, xã Văn Miếu được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế.
 
Từ năm 2016 đến nay, các chương trình hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 40 nghìn người thuộc khu vực I, II gần 4 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước phân tán và công cụ sản xuất chuyển đổi nghề cho trên 2 nghìn người với số tiền gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ 26 nghìn kg gạo và gần 4 tỷ đồng kinh phí học tập cho học sinh bán trú; cấp phát 25 loại báo ấn phẩm, tạp chí tương đương 220 ngàn cuốn...
 
Từ nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế của huyện được nâng lên. Toàn huyện có 5 xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế đó là: Thượng Cửu, Thắng Sơn, Cự Đồng, Tân Minh, Tân Lập. 23/23 xã, thị trấn có trạm y tế được trang bị các thiết bị cần thiết phục vụ khám, chữa bệnh tuyến cơ sở; 100% thôn, bản, khu phố có nhân viên y tế hoạt động. Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chú trọng. Hơn 12 nghìn thẻ BHYT được cấp miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện được hưởng dịch vụ y tế trong khám và chữa bệnh.
 
Cùng với công tác y tế, các hoạt động giáo dục phục vụ nhu cầu học tập của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm. Trong năm học 2015 - 2016, các chương trình đã đầu tư xây dựng 54 phòng học kiên cố, 3 nhà điều hành, 4 bếp; xây dựng cơ sở vật chất khuôn viên bổ sung trang thiết bị với tổng dự toán gần 42 tỷ đồng. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 100%; trên 98% số học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học trung học cơ sở; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay toàn huyện có 48/79 trường đạt chuẩn Quốc gia.
 
Các chương trình chính sách giảm nghèo ở huyện Thanh Sơn tạo đà cho bà con dân tộc thiểu số chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích và giúp đỡ bà con thay đổi tập quán canh tác; thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thâm canh, tăng vụ; cung cấp giống mới có năng suất cao, cho vay vốn để giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình... Cùng với kiến thức, kỹ thuật, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao còn được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân gần 15 tỷ đồng cho 1.396 lượt hộ được vay vốn chuyển đổi nghề; các hộ được vay đều bình xét công khai từ cơ sở.
 
Mặc dù Thanh Sơn vẫn còn 15,9% hộ nghèo, song chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có các nhóm về an sinh xã hội, y tế - dân số, giáo dục đã như luồng sinh khí mới góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao dân trí; từng bước đẩy nhanh công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Các dự án khuyến nông - khuyến lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề đã giúp cho bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật gieo các giống cây trồng mới như: Ngô lai, lúa lai, lúa thuần... có năng suất, chất lượng tốt.
 
Để các chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, huyện Thanh Sơn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với vùng đặc biệt khó khăn và hỗ trợ đối với người nghèo; thực hiện đầu tư tập trung, không đầu tư dàn trải; bổ sung, tăng mức đầu tư nguồn vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên vùng cao, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng Chương trình 229.
Thúy Hằng (Báo Phú Thọ)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top