Ảnh minh họa
Đời sống được nâng lên
Cách đây hơn một năm, kinh tế gia đình của bà Trần Thị Vĩnh Hòa (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) gặp khó khăn do nguồn vốn cạn kiệt dần trong thời gian tạm ngưng mua bán để phòng dịch COVID-19. Gia đình bà Hòa không có đất canh tác, cả nhà 3 người chỉ trông chờ vào sạp bán rau củ quả trước nhà.
Nắm bắt được tình cảnh khó khăn của hộ bà Hòa, chính quyền xã đã hỗ trợ gia đình bà 5 triệu đồng. Từ số tiền này, bà Hòa đầu tư thêm nhiều mặt hàng để bán kèm. Việc mua bán thuận lợi, kinh tế gia đình ngày càng đi lên.
Đầu năm 2022, tin vui đến với gia đình bà Tô Thị Quy (ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội) khi chính quyền xã cùng mạnh thường quân hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng để xây dựng nhà tình thương. Bà Quy chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi sống chen chúc trong căn nhà lụp xụp, mái nhà thì dột nát trong khi nền đất thấp nên mỗi khi trời mưa là bên trong ngôi nhà ướt sũng nước, cuộc sống hết sức khổ sở... May nhờ được sự quan tâm của chính quyền nên gia đình tôi có căn nhà kiên cố để ở, không còn ngán ngại cảnh gió mưa. Có được căn nhà trong mơ giúp vợ chồng tôi yên tâm nỗ lực làm ăn, chăm lo cho 2 đứa con học hành đến nơi đến chốn”.
“Đầu năm 2022, toàn xã có 231 hộ nghèo, 174 hộ cận nghèo. Từ nguồn Quỹ An sinh xã hội, trong năm xã đã cấp 560 suất quà, 12 tấn gạo cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em, học sinh, hộ có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 22 căn nhà tình thương, đồng thời vận động xây dựng thêm 7 căn nhà tình thương cho những hộ gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, qua việc thực hiện các chính sách chăm lo cho người nghèo, tạo mô hình sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… mà đời sống người dân, nhất là hộ DTTS nghèo có nhiều biến chuyển, góp phần thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, xã chỉ còn 86 hộ nghèo (vượt 87 hộ so với Nghị quyết), cận nghèo còn 171 hộ”, ông Nguyễn Hoàng Em - Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, cho biết.
Theo Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Vĩnh Lợi, toàn huyện hiện có 2.318 hộ DTTS (chiếm 9,57% dân số toàn huyện). Những năm qua, địa phương rất quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo thông qua hỗ trợ nhà tình thương, vốn vay, cây - con giống, phương tiện sản xuất... Đặc biệt, qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã giúp xây dựng nhiều công trình cầu, đường ở địa phương, giúp cất nhà, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, khám - chữa bệnh... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Hơn hết, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào DTTS và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nên hộ nghèo ở huyện đã giảm nhanh, bền vững, hộ khá, giàu tăng lên. Nếu đầu năm 2022, toàn huyện có 208 hộ DTTS nghèo thì đến cuối năm chỉ còn 90 hộ DTTS nghèo.
Vận dụng tốt các chính sách
Nhờ thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần nên đến nay, đời sống của hầu hết bà con DTTS ở TX. Giá Rai đã được nâng lên rõ rệt.
Toàn thị xã hiện có hơn 1.940 hộ người DTTS, chiếm tỷ lệ 5,51%, trong đó có 224 hộ DTTS thuộc diện nghèo và 422 hộ cận nghèo. Thời gian qua, thị xã đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng đồng bào DTTS tại địa phương, đồng thời thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn. Đặc biệt là ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông, tất cả khóm, ấp có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thị xã đều hoàn thiện đường giao thông thông thoáng, thuận lợi cho bà con đi lại cũng như giao thương hàng hóa. Ngoài ra, các tổ chức chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân cũng thường xuyên quan tâm, phối hợp trong việc chăm lo đồng bào DTTS nghèo, nhờ vậy cuộc sống vật chất lẫn tinh thần đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc hơn.
Trong năm qua, sản xuất và đời sống của người dân trong vùng có đông đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người là 84 triệu đồng/năm; có 69 khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng. Các chính sách về giáo dục - đào tạo, chế độ cho giáo viên và học sinh được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ đầu tư đúng mức nên đến nay trên địa bàn thị xã có 33/39 trường đạt chuẩn quốc gia; 10/10 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ DTTS sử dụng nước sạch, sử dụng hố xí hợp vệ sinh…
Bên cạnh đó, các công trình điện, đường, trường, trạm, thể thao, văn hóa - văn nghệ… được quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, học hành, trị bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, mở rộng giao lưu mua bán giữa các vùng. Nhiều hộ DTTS nghèo đã có nhà ở ổn định, có mô hình sinh kế hiệu quả giúp họ ổn định thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Có thể thấy, từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của các địa phương trong tỉnh đã giúp diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu; đẩy mạnh các chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng có đông đồng bào DTTS. Cùng với đó là củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đưa kinh tế vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng phát triển.