Hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghệ An

Chủ nhật, 10/09/2023 14:16

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Nghệ An đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Kết quả thực hiện các chương trình đã giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi diện mạo, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An khởi sắc.

20231009-duy6.jpg 

Ảnh minh họa

Đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo

Yên Hòa là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, từ khi thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Yên Hòa có nhiều đổi thay

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân, dự kiến cuối năm 2023, gần 10 km đường giao thông bản Xiềng Líp - Xốp Kha và bản Yên Tân - Yên Hương sẽ được cứng hóa 100%, bảo đảm đi lại thuận tiện cho bà con; hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo tới các thôn, bản của toàn xã. Hệ thống trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác đã và đang được đầu tư xây dựng khang trang, giúp cho Yên Hòa có diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây.

Chủ tịch UBND xã Yên Hòa Lô Văn Thanh cho biết, bằng các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế như trồng cây chuối ngự và các mô hình chăn nuôi bê cái, bò, lợn đen mang lại thu nhập cho bà con. Yên Hòa cũng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh trong du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc; duy trì các lễ hội, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát truyền thống.

Là huyện nghèo 30a của tỉnh Nghệ An, Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi Tương Dương đạt được những kết quả quan trọng. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 2 năm 2022 - 2023, huyện Tương Dương tập trung thực hiện 10 dự án liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và công tác truyền thông. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Tương Dương trong 2 năm 2021 - 2022 được đánh giá có hiệu quả, trong đó các dự án đã hỗ trợ kịp thời sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân khu vực vùng sâu, biên giới…

Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình hơn 34 tỷ đồng. Nổi bật nhất là người dân đã tự bỏ vốn để trồng rừng, trồng sắn cao sản trở thành mô hình liên kết sản xuất lớn. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh,với phương châm huy động sức dân là chính để tu bổ và làm mới nhiều tuyến đường tới các bản vùng sâu, vùng xa của các xã biên giới. Trong năm 2022, huyện đã giải ngân được 14,8% kế hoạch vốn đầu tư phát triển, 2,9% kế hoạch vốn sự nghiệp. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 4 xã về đích nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 10,8 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, năm 2022 còn 34,3% (giảm 5,15% so với năm 2021).

Đánh giá về hiệu quả thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã đáp ứng được phần nào về cơ sở vật chất, đời sống dân sinh, tạo điều kiện để nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa vươn lên phát triển về mọi mặt. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất và chăn nuôi, trong cuộc sống tinh thần; từng bước xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng và tạo tiền đề phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Tại huyện Quế Phong, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 4-5%/năm; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 30%. Huyện hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 5-10 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, huyện Quế Phong tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức tiềm năng cây dược liệu.

Nhiều dự án trồng và sản xuất dược liệu như cây bon bo, quế, lùng, chè hoa vàng tại các xã Nậm Nhoong, Nậm Giải, Châu Thôn, Thông Thụ, Đồng Văn… không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án. Hiện, diện tích vùng trồng dược liệu đã lên đến hàng nghìn héc-ta, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay của huyện là muốn phát triển dược liệu, cốt lõi nhất vẫn là thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để huyện triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu. Song song đó, huyện chọn hướng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng để cụ thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết.

Đổi mới, sáng tạo cách làm

Hơn 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, đã tạo động lực để tỉnh Nghệ An hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%), 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 17,15% xã nông thôn mới), 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,39% (kế hoạch 1-1,5), tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3,63% (kế hoạch 2,5%).

Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của ba chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 là 5.344,388 tỷ đồng. HĐND tỉnh Nghệ An đã phân bổ số vốn 4.931,108 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 1.379,680 tỷ đồng, triển khai tại 411 xã; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 2.632,560 tỷ đồng, triển khai 9 dự án thành phần; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 918,868 tỷ đồng, triển khai 2 dự án thành phần.

Tuy nhiên, quá trình triển khai ba chương trình vẫn còn tồn tại, hạn chế. Nghệ An có điều kiện tự nhiên, số lượng thôn bản, xã, huyện đặc biệt khó khăn còn lớn; dân số chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi; các nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu. Số lượng văn bản chỉ đạo chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia lớn, còn có sự chồng chéo; năng lực của cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ liên kết chưa rõ…

Để thực hiện hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Nghệ An tiếp tục thực hiện nguyên tắc “bám trên, sát dưới”, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tổ chức thực hiện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở với cách làm sáng tạo, phù hợp. Tỉnh xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức thực hiện; tập trung các nguồn lực để thực hiện. Đối với những vấn đề “chưa chín, chưa rõ” thì mạnh dạn làm thí điểm trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Đồng thời, tỉnh thành lập các tổ công tác chỉ đạo triển khai chương trình; quan điểm là huyện sẵn sàng làm thay cho xã, theo phương châm cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ cho cấp dưới; tăng cường kiểm tra giám sát, tránh tư tưởng tránh né, sợ sai, không dám làm

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trong triển khai các dự án, nội dung thành phần, tỉnh chỉ đạo gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, phòng, ban; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Về lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án; chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Cùng với đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung được giao./.

Bích Huệ
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top