Hết lòng vì sức khỏe người dân vùng cao biên giới

Chủ nhật, 17/09/2023 22:51

Y tế cơ sở có tầm quan trọng, được ví như “tuyến phòng vệ đầu tiên” trong hệ thống các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở đóng vai trò nòng cốt, đắc lực, tận tâm trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Vượt qua mọi khó khăn, không chỉ khám chữa bệnh, mà họ còn tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, thái độ, hành vi bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bác sĩ đa khoa Ngô Gia Tự là một điển hình như vậy.

20231809-duy6.jpg
 
Ảnh minh họa

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Điện Biên, bác sĩ đa khoa Ngô Gia Tự, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thấu hiểu nỗi khó khăn của ngành y tế ở cơ sở còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị khám chữa bệnh xuống cấp, nhân lực yếu lại hạn chế nhiều mặt. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng gặp nhiều khó khăn.

Chung Chải là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều phong tục tập quán, lối sống lạc hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con các dân tộc. Dân số của xã hiện nay là 6.413 người thuộc các dân tộc Hà Nhì, Si La, Mông, Kinh, Thái sinh sống tại 13 bản. Mặc dù được thụ hưởng các chính sách của nhiều chương trình, dự án nhưng kinh tế - xã hội xã Chung Chải vẫn chưa phát triển, tỷ lệ đói hộ nghèo cao chiếm 67,85%.

Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, vào mùa làm nương, các bản chỉ còn lại người già và trẻ em, khiến việc chăm sóc sức khỏe cho bà con gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các bản của đồng bào Mông cách trung tâm xã hơn 10km đường đi bộ. Ngày khô nắng ráo không sao, nhưng xuống bản trong ngày mưa rất cực khổ vì đường đất nhòe nhoẹt trơn trượt với đầy đá tai mèo nhọn sắc.

Trở ngại lớn nhất là nhiều cán bộ của trạm y tế chưa nói được tiếng dân tộc thiểu số, khi lên bản của đồng bào phải thông qua sự trợ giúp của những y tá bản hoặc trưởng bản để phiên dịch. Không ngại khó, ngại khổ, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” cùng với thái độ làm việc nghiêm túc, tận tụy, Trạm trưởng Ngô Gia Tự kiên trì đi lại như con thoi giữa các bản để tuyên truyền, vận động và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Còn nhớ, đợt xảy ra đại dịch Covid-19, khi có thông báo có ca F0, F1, khi đang ăn cơm, bác sĩ đa khoa Ngô Gia Tự cũng phải buông bát xuống, cùng các cán bộ của trạm đi bộ 3-4km lên nương để tìm người bệnh về cách ly.

Bác sĩ Tự tâm sự: “Với rào cản tâm lý ngại y, bác sĩ là nam giới đến khám và đỡ đẻ nên phụ nữ đến kỳ sinh đẻ ở địa phương thường đẻ tại nhà. Chính vì khi đẻ khó mới gọi cán bộ trạm y tế đến, khiến việc triển khai thực hiện các chương trình y tế gặp khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn luôn kiên trì, thường xuyên đến bản để tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu và tránh trường hợp đẻ tại nhà gây ra nhiều hệ lụy khó lường”.

Ngoài việc khám, chữa bệnh, công tác tuyên truyền luôn được các cán bộ y tế duy trì tại cộng đồng như thảo luận nhóm, tư vấn, tập huấn... Hằng tháng, cán bộ trạm y tế đến tiêm chủng cho trẻ em kết hợp tuyên truyền lồng ghép với các chương trình y tế khác nên hiện nay, tỷ lệ người dân đến trạm y tế khám, chữa bệnh đã cao hơn trước. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của trạm, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 50% kế hoạch, số phụ nữ đẻ được khám thai đạt 48,8%.

Với tinh thần trách nhiệm cao, say mê với nghề, bác sĩ Tự luôn được bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi tài năng, đức độ và sự nhiệt tình, tận tâm với bệnh nhân. “Khi người bệnh gọi điện kêu cứu. Hôm đó, tôi đã phải đi bộ 15km để đưa người bệnh đi cấp cứu. Tuy mệt nhưng tôi rất vui vì việc đưa đi kịp thời đã cứu được người bệnh. Chủ nhà vui lắm, nói bác sĩ tốt quá” - bác sĩ Tự tâm sự.

Gọng bác sĩ Tự bỗng nhiên trầm xuống, anh bộc bạch: “Có những giai đoạn cực khổ đến mức chỉ muốn bỏ nghề như đợt chống dịch Covid-19 vừa qua. Bởi, quá nhiều áp lực và căng thẳng đến mức bạc hết cả tóc. Nhưng khát vọng được giúp người đã giúp tôi vượt qua được mọi hoàn cảnh để tiếp tục đến với những bệnh nhân đang cần tới mình”.

Suốt 17 năm công tác, bên cạnh những viên thuốc chữa bệnh, anh còn cho người bệnh thêm “liều thuốc tinh thần”. Đó là những lời dặn dò, động viên, ân cần đối với người bệnh. Khi nói về bác sĩ Tự, một bệnh nhân chia sẻ với giọng trìu mến: "Bác sĩ Tự là người sống gần gũi, cởi mở, tận tâm và hết mình vì mọi người, coi những bệnh nhân như chính người thân của mình”.

Đằng sau mỗi nụ cười hạnh phúc của người dân là những sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác y tế. Những người như bác sĩ Tự đã và đang trải qua những tháng ngày vất vả ở cơ sở, vun đắp khát vọng nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới.

Với nhiều thành tích trong công tác và thực hiện các phong trào thi đua, bác sĩ Tự đã được các cấp khen thưởng, trong đó có 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 3 Giấy khen của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên; 1 Giấy khen của Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia; 1 Giấy khen của Ban Chấp hành Lao động huyện Mường Nhé.../.

Thúy Hạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top