Chiều 20-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai từ sau cuộc họp ngày 15-4.
Dự cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội.
Dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến 12 giờ ngày 20-4, thế giới ghi nhận hơn 2,4 triệu trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 165.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Ba bệnh nhân diễn biến nặng (bệnh nhân số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây. Điều đó cho thấy, tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm, có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, đòi hỏi các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, không được phép chủ quan, lơ là.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Ngô Văn Quý, cho biết, những ngày gần đây, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời quan tâm bảo đảm đời sống cho người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.
Về công tác phòng, chống dịch, trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục thực hiện việc cách ly xã hội trên toàn thành phố; mở rộng đối tượng xét nghiệm; tập trung khoanh vùng, khống chế sự lây lan ở các ổ dịch. Với ổ dịch thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), các lực lượng chức năng đã xét nghiệm sàng lọc cho 100% người dân trong xã với tổng số gần 13.000 mẫu, qua đó phát hiện 5 ca dương tính đã được công bố, còn lại đều âm tính. Sau khi khoanh vùng được 1.793 trường hợp có yếu tố liên quan đến chợ hoa Mê Linh, các cơ quan chức năng đã xét nghiệm nhanh và phát hiện 4 dương tính, nhưng sau khi xét nghiệm khẳng định thì các mẫu đều âm tính. Như vậy, bước đầu thành phố Hà Nội đã kiểm soát được ổ dịch tại thôn Hạ Lôi.
Tương tự, các lực lượng chức năng đã khoanh vùng cách ly tại xóm Trên, thôn Đông Cứu xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) với 399 hộ và 1367 nhân khẩu; tổ chức cách ly 50 người tiếp xúc gần với mầm bệnh; đã lấy mẫu của 1.196 người dân ở xóm Trên, bước đầu kết quả đều âm tính. Đến nay, ổ dịch tại thôn Đông Cứu đã cơ bản kiểm soát được, không có diễn biến phức tạp thêm.
Với Bệnh viện Bạch Mai, đến nay, các ngành, địa phương đã rà soát được hơn 31.000 người có yếu tố liên quan, đến bệnh viện này, trong đó có hơn 29.000 người đã được xét nghiệm, không phát hiện ca nhiễm mới…
Về xét nghiệm tại cộng đồng được mở rộng đến một số chợ đầu mối với 1.064 mẫu đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính. Điều này đồng nghĩa, Hà Nội cơ bản chưa phát hiện thêm nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trước những chỉ số tích cực, đồng chí Ngô Văn Quý đánh giá, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tốt lên, nhưng không vì thế mà người dân có thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Bởi, Hà Nội vẫn là địa phương ở nhóm nguy cơ cao, còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Hà Nội kiến nghị thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 23-4
Cùng với công tác phòng, chống dịch, những ngày gần đây, Hà Nội quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; định hướng cho các ngành, địa phương tiến hành rà soát, thống kê các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, thành phố đã cơ bản xác định được nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể triển khai sớm. Nguồn kinh phí để hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội cũng đã được thành phố tính đến. Các nhóm đối tượng liên quan đến người lao động đang được rà soát, nhưng phải chờ hướng dẫn của trung ương mới có thể xác định chính xác…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Trong khi chờ hướng dẫn, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân có hoàn cảnh khó khăn…
Đáng chú ý, thành phố đã tiến hành tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh... Về công tác giáo dục, Hà Nội đã điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020, sẵn sàng các phương án đón học sinh trở lại trường khi điều kiện cho phép.
Để có thể thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, đồng chí Ngô Văn Quý kiến nghị, nếu đến ngày 22-4, Hà Nội không phát sinh ca nhiễm mới, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, kiểm soát, thì từ ngày 23-4, các cơ quan trung ương cho phép Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, thay vì cách ly xã hội theo tinh thần số Chỉ thị 16/CT-TTg như hiện nay…
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các bộ, ngành chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo an toàn tại các cơ quan, đơn vị, nhà máy, công trường, các loại hình kinh doanh khác được hoạt động để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, để gói an sinh xã hội để kịp thời đến với các đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, Hà Nội vẫn là địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, nên thành phố cần tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc: Phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, điều trị; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thỏa mãn với những kết quả đạt được.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các địa phương thực hiện nghiêm việc cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của các ngành, địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội về việc cần thiết ban hành một chỉ thị mới về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, để triển khai từ ngày 23-4; đồng thời đồng ý để các tỉnh, thành phố tự đánh giá, xác định mức độ lây lan dịch Covid-19 cụ thể, theo quy mô đến từng quận, huyện, thị xã, rồi đến xã, phường, thị trấn, thậm chí đến thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, làm căn cứ triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp.
Các khu vực, địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly xã hội; còn các địa phương ít nguy cơ có thể vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh có dịch, từng bước đưa kinh tế - xã hội phát triển.
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg từ ngày 23-4 sẽ như thế nào?
Ngày 27-3, trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu và cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ thị nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người; dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.
Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Tại Chỉ thị 15-CT/TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.
Mỗi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.