Những cuốn sách có giá trị thu hút nhiều bạn đọc trong thời gian gần đây.
Đây là những nội dung nêu tại Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 29-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này được xây dựng nhằm cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, thời gian tới, thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ và đi vào thực chất văn hóa đọc trên địa bàn thành phố là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ, khai thác có hiệu quả nguồn vốn tài liệu, phát triển tài nguyên thông tin trong hệ thống thư viện, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Thành phố đặt mục tiêu, đến năm 2025: 85% người dân sử dụng các mô hình đọc sách có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí. 100% quận, huyện, thị xã có thư viện tư nhân, tủ sách gia đình.
Mỗi năm, thành phố cũng tổ chức ít nhất 1.000 hoạt động liên quan đến sách, trưng bày triển lãm sách, hội sách, giao lưu tác giả - tác phẩm, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách mới; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và viết cảm nhận về sách. Mỗi năm, có ít nhất 3.000.000 lượt truy cập và sử dụng thông tin tại chỗ và phục vụ lưu động; đạt ít nhất 2.000.000 lượt trên không gian mạng. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có các mô hình đọc sách với vốn tài liệu phù hợp, trong đó, 100% trường ở cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định.
Mô hình Phố sách thu hút sự tham gia của nhiều bạn đọc trẻ vào dịp cuối tuần và các ngày nghỉ lễ.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố phấn đấu 100% người làm công tác thư viện trong hệ thống thư viện công cộng và cán bộ phụ trách tại các mô hình đọc sách trên địa bàn thành phố được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ. Còn về xây dựng và phát triển mạng lưới tủ sách, phòng đọc cơ sở, phấn đấu mỗi năm đầu tư và củng cố, nâng cao chất lượng từ 100 đến 200 mô hình tủ sách, thôn, tổ dân phố, phòng đọc cơ sở.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố giao các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. UBND các quận, huyện, thị xã bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, trong đó, chú trọng phát triển mạng lưới thư viện, nhà sách, tủ sách, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương…