Không dỡ bỏ hết các yêu cầu về cách ly
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nêu bài học một số nơi như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) dù giai đoạn trước được đánh giá khống chế dịch hiệu quả nhưng hiện có số lượng ca mắc mới tăng chóng mặt, từ đó có thể thấy tình hình dịch diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Đây cũng là bài học để Hà Nội rút ra kinh nghiệm trong việc kiểm soát các ca bệnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Nhật Nam
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, những trường hợp dương tính sau khi ra viện vẫn phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà ít nhất 14 ngày. Những trường hợp từ nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung, hay những trường hợp F1 tiếp xúc gần với ca bệnh sau khi hết hạn cách ly cũng phải tự thực hiện cách ly tại nhà ít nhất 14 ngày. Các địa phương phải thực hiện giám sát, quản lý chặt chẽ tất cả trường hợp trên.
Đánh giá tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, 6 ngày nay, Hà Nội chưa phát hiện ca nhiễm mới, công tác kiểm soát dịch đang được thực hiện tốt. Cụ thể là các ổ dịch lớn đã được kiểm soát với nhiều biện pháp quyết liệt; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch đã được thực hiện hiệu quả; các hoạt động sinh hoạt, làm việc của nhân dân trên địa bàn vẫn được duy trì, phần nào bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; công tác an sinh xã hội thực hiện tốt với nhiều mô hình, phong trào "tương thân tương ái", điển hình như mô hình "ATM gạo", cung cấp lương thực thực phẩm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện tốt Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện trả lương tháng 4 và tháng 5 cho những người được hưởng; lên danh sách các đối tượng được hỗ trợ... Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp triển khai vụ hè xuân; dập các ổ dịch gia cầm; một số công trường bảo đảm công tác phòng, chống dịch vẫn được duy trì hoạt động...
Từ những đánh giá này, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu đến hết ngày 22-4, Hà Nội - địa bàn nóng bỏng nhất cả nước về dịch Covid-19 - không phát hiện ca nhiễm mới thì có thể hạ mức cảnh báo trong phòng, chống dịch, nhưng không giải phóng toàn bộ các hoạt động mà sẽ tiến hành từng bước với các hoạt động cụ thể. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Văn phòng UBND thành phố và Sở Y tế soạn văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương, sở, ngành thực hiện.
"Chúng ta không dỡ bỏ hết tất cả yêu cầu về cách ly. Những nơi có nguy cơ cao như huyện Mê Linh, Thường Tín vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và coi đây là biện pháp bắt buộc. Chúng ta vẫn không được chủ quan để tránh việc tái nhiễm, hoặc lây nhiểm bởi có trường hợp ủ bệnh không có biểu hiện có thể lây bệnh trong cộng đồng", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Xử phạt nghiêm trường hợp ra đường không đeo khẩu trang
Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố; xử phạt nghiêm những người ra đường không đeo khẩu trang. Những cửa hàng không thiết yếu vẫn phải đóng cửa. Các hoạt động thể thao ngoài trời vẫn phải tạm dừng.
"Các địa phương vẫn phải tuyên truyền người dân không nên vội vàng ra ngoài để phòng ngừa dịch cho bản thân và cho xã hội. Thời gian tới, không loại trừ có ca nhiễm mới nên các địa phương, đơn vị vẫn phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...", đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất với đề xuất của quận Bắc Từ Liêm, tiếp tục thực hiện xét nghiệm nhanh tại một số chợ đầu mối, như chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm), chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm)... Các đơn vị phải rà soát, kiểm tra lại công tác mua sắm trang thiết bị, báo cáo sớm số lượng đã mua được, triển khai ngay những hạng mục thiết yếu.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành, gồm Sở Công thương, Sở Tài chính, Công an thành phố rà soát, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị y tế về năng lực cung cấp, chất lượng hàng hoá và giá cả.
Sở Nội vụ phải rà soát các đơn vị, doanh nghiệp, người dân làm tốt công tác xã hội từ thiện; phát hiện những gương điển hình tiên tiến ở cơ sở trong công tác phòng, chống dịch, từ những người có mô hình hay như mô hình "ATM gạo" cho đến những phóng viên báo chí của trung ương và Hà Nội để thực hiện công tác khen thưởng, động viên kịp thời các phong trào.