Ảnh minh họa
Toàn cầu hóa đã và đang tạo nên xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp các dân tộc, quốc gia xích lại gần nhau để hợp tác, trao đổi, giao lưu, học hỏi, cùng nhau phát triển.
Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh quốc tế mới với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, văn hóa dân tộc cũng chịu những tác động trái chiều, rõ nhất là mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và sự lấn át của các phương tiện truyền thông mới, internet, mạng xã hội. Biên cương văn hóa tư tưởng của quốc gia cũng chịu nhiều thách thức trước sự xâm lấn của các nền tảng xuyên biên giới.
Từ thực tiễn cho thấy trong quá trình toàn cầu hóa, nhất là với lĩnh vực văn hóa, nếu không có bộ lọc đủ mạnh, thiếu bản lĩnh và tính sáng tạo sẽ nguy cơ dẫn tới tiếp thu một cách thụ động, vội vã, ồ ạt, từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong nước bị những yếu tố ngoại sinh lấn át, chi phối, từ đó làm triệt tiêu tính đa dạng văn hóa dân tộc, tự đánh mất bản sắc, cội rễ và truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Chưa kể, hiện nay các đối tượng thù địch, phản động đã coi văn hóa là một trận địa mới để chống phá nên đã không ngừng thực hiện các âm mưu, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Hiện nay, nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, việc quảng bá sâu rộng văn hóa đại chúng, văn hóa tiêu dùng, thời trang, ẩm thực, giải trí càng trở nên phổ biến, kéo theo đó là những xu hướng mới, trong đó có cả những xu hướng tiêu cực thu hút giới trẻ của nhiều quốc gia tham gia. Không ít người vội vã tiếp nhận cái mới để rồi trở nên sùng bái và cuồng tín, hối hả chạy theo những trào lưu, lối sống khác lạ, dần dần tự đánh mất bản sắc và không làm chủ được bản thân mình.
Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự “lên ngôi” của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, xuyên biên giới cũng đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết.
Không thể phủ nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là bước phát triển nhảy vọt của văn minh nhân loại mở ra những không gian mới, mang lại những loại hình dịch vụ, giải trí tiện lợi cho con người, hướng tới sự phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, mặt trái của những sản phẩm công nghệ cũng đã và đang chi phối không nhỏ đến nhận thức, hành động của con người cũng như sự vận động, phát triển của nền văn hóa.
Đã có những thanh, thiếu niên ban đầu tò mò, thích khám phá công nghệ để rồi dần dần bị lệ thuộc, nghiện internet và mải mê trong thế giới ảo, làm mất đi những mối quan hệ, giao tiếp đời thường, tính đoàn kết, chia sẻ mờ dần, nhiều người rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm, chối bỏ những giao tiếp trực tiếp của cuộc sống hiện thực. Không ít thanh, thiếu niên bị các đối tượng xấu dụ dỗ, sa vào tệ nạn như cá cược, lô đề, cờ bạc, buôn bán ma túy; tham gia vào những hội nhóm tôn giáo mang màu sắc thần bí, mê tín dị đoan, dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, để lại những hậu quả tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội nhiều video clip được sản xuất, truyền bá có nội dung nhảm nhí, phản cảm, xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật Việt Nam, nếu không có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn sẽ để lại những hệ lụy khôn lường, nguy cơ làm lệch lạc nhận thức cũng như sự phát triển lành mạnh của xã hội, nhất là giới trẻ.
Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, thực thi, vẫn còn một số người do thiếu hiểu biết hoặc cố tình hiểu sai, phiến diện về vấn đề này, dẫn đến tình trạng làm sai, không đúng hoặc lạm dụng, trục lợi chính sách, lợi dụng những kẽ hở về cơ chế để tham nhũng, lãng phí.
Đó là tư duy đặt nặng lợi ích kinh tế, đề cao và chạy theo mục tiêu vật chất, lợi nhuận mà lãng quên những nhiệm vụ về phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Đó còn là sự phát triển thiếu cân bằng, bền vững khi một số cá nhân, tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân vì lợi nhuận mà sẵn sàng xâm phạm không gian di sản, di tích, hủy hoại môi trường, môi sinh, làm biến dạng cảnh quan sinh thái thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển toàn diện của con người.
Cũng vì quá đề cao lợi ích vật chất, kinh tế, không ít người hình thành lối sống vị kỷ, coi trọng đồng tiền, chạy theo dục vọng cá nhân; háo danh, chuộng hình thức, thích khoe khoang, đi ngược lại những giá trị văn hóa truyền thống. Những biểu hiện đó không chỉ xuất hiện trong cuộc sống đời thường mà còn thâm nhập vào cả những cơ quan công quyền với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Một số cán bộ vì lợi ích vật chất, vì chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi và tham vọng chính trị đã tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sa vào tham nhũng, tiêu cực, hối lộ, quan liêu, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, đánh mất niềm tin trong nhân dân.
Một thách thức cũng đang đặt ra trong phát triển văn hóa là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đô thị hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tạo ra diện mạo mới với chất lượng đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nhưng mặt trái của quá trình này cũng đang tác động không nhỏ đến sự phát triển văn hóa, con người trong xã hội hiện nay.
Sự phát triển ồ ạt của các dự án bất động sản, khu đô thị mới, sự hình thành của các nhà máy, xí nghiệp đã thu hẹp không gian văn hóa của nhiều làng quê, làm biến đổi không gian sinh kế, không gian sống và môi trường diễn xướng, thực hành văn hóa của cộng đồng. Sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch của các làng nghề thủ công với lượng chất thải, khói bụi lớn xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến sức khỏe, tuổi thọ và cuộc sống dài lâu của con người.
Tại nhiều thôn quê, không ít thanh, thiếu niên bị tiêm nhiễm lối sống thực dụng, lệch lạc. Làng lên phố làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, việc làm, nhiều thanh niên nông thôn được tiếp cận với nhiều loại hình dịch vụ giải trí hiện đại qua những phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội cũng dẫn tới tình trạng một số người mải chạy theo cái mới, sùng bái cái mới quá đà, bất chấp hệ quả đang nguy cơ dẫn đến tâm lý rời xa những giá trị truyền thống, lãng quên cội nguồn và bản sắc dân tộc.
Thực trạng này cho thấy để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh giao lưu, học tập, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú thêm văn hóa dân tộc với ý thức chủ động để vừa đón nhận cơ hội phát triển, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa thì đồng thời cũng cần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Cần nhận thức rằng việc tiếp thu văn hóa thế giới phải có sự chọn lọc trên cơ sở các giá trị truyền thống, bản lĩnh văn hóa dân tộc. Phải tạo sức đề kháng văn hóa với những bộ lọc, vách ngăn cần thiết để đẩy lùi và chống lại sự xâm lấn của những trào lưu phản văn hóa, các luồng tư tưởng có nội dung xấu độc. Công tác quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, mọi người dân trong xã hội cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước và quá trình xây dựng, hình thành nhân cách con người mới với những giá trị, đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Trong đó, nội hàm quan trọng nhất là ý thức bảo vệ Tổ quốc, tình yêu Tổ quốc, năng lực bảo vệ Tổ quốc. Cần phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên mọi lĩnh vực, nhất là không gian mạng vì đây là một môi trường đang có những diễn biến rất phức tạp.
Chú trọng xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gìn giữ môi trường, môi sinh, mang lại cuộc sống tốt đẹp, an toàn, lành mạnh cho con người. Quan tâm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, gìn giữ với phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nhân văn, về nguồn, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách trong việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Phát huy tinh thần sáng tạo, khát vọng phát triển, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; tinh thần trách nhiệm của các nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ.
Quan tâm đầu tư tương xứng và có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh, qua đó khai thác tiềm năng và nguồn vốn văn hóa dồi dào, biến những giá trị văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển. Huy động các nguồn lực trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu thực hành, thụ hưởng văn hóa của quần chúng nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam tự hào có nền văn hóa lâu đời, đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Đó là những lợi thế quan trọng cần được khai thác, phát huy mạnh mẽ trong điều kiện hiện nay. Phát triển trong bối cảnh mới, nền văn hóa dân tộc cần phát huy tốt sứ mệnh cũng như vai trò, thế mạnh để văn hóa không chỉ nâng cao nhận thức, giáo dục, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân Việt Nam mà còn là nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.