Ảnh minh họa
Một số Bộ, ngành và địa phương đã có nỗ lực lớn trong hoàn thiện khung khổ pháp luật và sáng kiến trong thực hiện cơ chế liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục gia nhập thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng cơ chế liên thông trong đăng ký thành lập doanh nghiệp khi tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Mục tiêu chính của việc ban hành Nghị định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập/rút khỏi thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt TTHC, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP đã cắt giảm thêm 2 bước thủ tục và giảm thời gian trong thực hiện Khởi sự kinh doanh.
Tiếp theo, vừa qua, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2020 (Luật số 59/2020/QH14) và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021về đăng ký doanh nghiệp với các quy định mới được bổ sung nhằm đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong gia nhập thị trường, cụ thể:
- Cắt giảm TTHC và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp;
- Bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”;
- Thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.
Nhiều địa phương đã đẩy mạnh TTHC đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, thuế,… qua mạng, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 qua đó đã rút ngắn đáng kể thời gian và số lần đi lại cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường và đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/08/2019 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 20/09/2019), theo đó mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 150.000 đồng/lần giảm 62,5% so với quy định trước đây.
Tất cả những cải cách, giải pháp trên đã giảm đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật trong gia nhập thị trường. Điều đáng nói những phản ánh tích cực trên không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước mà cả đối với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả khảo sát của VCCI (2020) cho thấy đa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực về các nỗ lực của chính quyền trong cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, thể hiện qua việc các thủ tục cấp các loại giấy tờ cần thiết, giấy phép, giấy chứng nhận để doanh nghiệp có thể hoạt động chính thức đều giảm. Ví dụ, năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ dưới 03 tháng để nhận được tất cả giấy tờ cần thiết để hoạt động chính thức là 80%. Đến năm 2019, con số này là 92%, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Hơn nữa, năm 2019, 56% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian dưới 01 tháng, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011; 11% doanh nghiệp hoàn thành thủ tục chưa đầy một tuần để nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết để đi vào hoạt động chính thức.
Tuy nhiên, mặc dù các quy định cải cách TTHC nhằm giảm chi phí tuân thủ gia nhập thị trường tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số TTHC chưa đáp ứng yêu cầu, một số TTHC chưa thực sự thông thoáng, thời gian thực hiện kéo dài, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, tổ chức thẩm định dự án. Nhiều dự án đầu tư mà các doanh nghiệp thực hiện lại liên quan tới nhiều lĩnh vực TTHC phải có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, không chỉ trong thẩm quyền của một đơn vị mà liên quan đến nhiều sở, ngành, hoặc ở cấp cao hơn ở Trung ương. Theo khảo sát của VCCI (2020), các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho biết thường gặp nhiều vướng mắc về chồng lấn, xung đột về mặt quy trình, hồ sơ, thẩm quyền, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, thủ tục không thể tiên liệu trước, tạo ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí./.