Ảnh minh họa
Hỗ trợ người dân thoát nghèo
Mục tiêu giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phải thoát nghèo.
Đến nay tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa còn 10.826 hộ, chiếm 3,2%, giảm 2.051 hộ, mức giảm hộ nghèo đạt 0,66%. Trong đó, 2 địa phương có số hộ nghèo cao nhất tỉnh là huyện Khánh Sơn còn 3.062 hộ, Khánh Vĩnh 4.211 hộ.
Khánh Hòa đề ra mục tiêu: Đến cuối năm 2023, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,64%, tương đương 0,56%; giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt từ 1% - 1,5%; 100% số huyện, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng… Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo nhằm tạo hiệu quả thực chất.
Đặc biệt, tháng 6/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn. Theo đó, tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 126,185 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương trên 109 tỷ đồng, ngân sách tỉnh xấp xỉ 11,5 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, để hỗ trợ người dân trong việc thoát nghèo và tạo thu nhập ổn định, huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập ổn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó tập trung xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Địa phương hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu… góp phần hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình chuyển đổi cây trồng từ cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện.
Thoát nghèo từ thế mạnh sẵn có
Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết thêm, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và sinh kế cộng đồng, xác định được các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân để khuyến khích cùng phát triển; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nói về kế hoạch thoát nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Sơn cho biết, huyện tập trung vào các thế mạnh sẵn có như hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định các cây trồng chủ lực là cây ăn quả (sầu riêng); kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch canh nông. Bên cạnh đó, huyện từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, huyện phát triển mạnh về cây chủ lực của địa phương gia tăng giá trị cho sản phẩm của huyện nhà thông qua Chương trình OCOP, hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết các chuỗi giá trị, các nhóm cộng đồng phát triển sản xuất để góp phần hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh cây trồng chủ lực của địa phương để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cấp mã số vùng trồng để hướng đến xuất khẩu cho cây trồng chủ lực: sầu riêng, chuối, bưởi da xanh, mía tím.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng, giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Huyện xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, mô hình sinh kế cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để người dân trực tiếp tham gia nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và đạt được nhưng hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Khánh Vĩnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng tốt kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.
Để thực hiện một cách hiệu quả và bền vững nhiệm vụ thoát nghèo, trong những năm tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các nông hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp... nắm được chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách đổi mới trong phát triển nông nghiệp để tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản một cách có hiệu quả. Khánh Sơn đẩy mạnh hình thức liên kết tổ chức sản xuất theo vùng, ngành hàng giữa các hộ, nhóm hộ và doanh nghiệp, tăng cường sự liên kết, tham gia của các tổ chức như chính trị xã hội; kiện toàn hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hiện có bảo đảm tính tự chủ, đặc biệt là của các doanh nghiệp có liên kết.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững ở miền núi Khánh Sơn, một loạt các giải pháp đa dạng được triển khai, kết hợp, với sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Khánh Hòa, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân. Có được những điều này, chắc chắn mục tiêu thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi sẽ sớm đạt được.