Đó là một trong những định hướng của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT trong bài phát biểu tại buổi trò chuyện với lãnh đạo và cán bộ, công nhân nhân viên Tập đoàn FPT nhân ngày đi làm đầu tiên của năm Giáp Thìn 2024.
Cổng TTĐT Bộ TT& xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Xin được chúc mừng Tập đoàn FPT chuyển về trụ sở mới: To, đẹp, hiện đại, độc đáo. Trụ sở này sánh vai với các tập đoàn công nghệ số toàn cầu, gây cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Mấy năm nay, FPT duy trì được tốc độ tăng trưởng xung quanh 20%. Đây là mức cao. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT cũng đã đạt 1 tỷ đô la Mỹ và chiếm tới 40% tổng doanh thu của Tập đoàn . Đây là một bước tiến lớn, có tính bứt phá, đưa FPT vào một thứ hạng khác, một đẳng cấp khác. Một doanh nghiệp công nghệ số (CNS) mà không thành công ở nước ngoài thì chưa thể gọi là thành công. Thị trường quốc tế, cạnh tranh quốc tế, chinh phục thế giới đã có trong máu của FPT thế hệ đầu tiên. Đã có lúc ra đi không thành, nhưng khát khao ấy chưa bao giờ mất đi. Có lẽ chỉ là duyên chưa đủ. Khi đã đủ duyên thì khát vọng ấy lại trỗi dậy và thành hình hài. Ngành TT&TT tự hào vì có tới 1500 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường nước ngoài và con số đã đạt trên 7,5 tỷ đô la Mỹ. FPT hãy trở thành tự hào Việt Nam, trở thành một doanh nghiệp công nghệ toàn cầu.
Ngày đầu tiên đi làm của năm Giáp Thìn, đơn vị đầu tiên mà Bộ TT&TT đến thăm là FPT. Đây là thông điệp gửi đi của Bộ TT&TT, của Nhà nước Việt Nam, về sự đánh giá, sự coi trọng các doanh nghiệp CNS dân tộc , coi đây là nhân tố chính để phát triển đất nước, để Việt Nam hoá rồng, hoá hổ vào giữa thế kỷ 21 này.
FPT vẫn có được sức sống như hôm nay là do ngọn lửa, do năng lượng, do động cơ tư tưởng Trương Gia Bình. Thiếu động cơ này, năng lượng và sức sống này thì FPT sẽ rất khó phát triển tiếp, rất khó liên tục đổi mới. Anh Bình vẫn đang là động cơ và cũng đang miệt mài đi tìm động cơ mới. Tìm ra động cơ mới và chuyển giao sẽ là việc vĩ đại sau cùng mà anh Bình làm cho FPT.
Ông Lý Quang Diệu của Singapore nói, một người lãnh đạo xuất sắc phải làm được ba việc lớn. Thứ nhất, phải tạo ra sự phát triển bứt phá cho tổ chức của mình, phải có thành tựu to lớn khi đương nhiệm. Thứ hai, phải tìm ra và đào tạo được người thay mình, mà người này phải có khả năng tạo ra thành quả còn lớn hơn mình. Thứ ba là ra đi đúng lúc. Việc thứ hai thì khó hơn việc thứ nhất, việc thứ ba còn khó hơn việc thứ hai. Anh Bình mới làm xong một việc, còn những 2 việc nữa phải làm, mà lại là những việc khó hơn.
Gần 500 em bé mồ côi bố mẹ thời Covid-19 đang lớn lên trong ngôi trường mang tên Hy vọng của FPT có lẽ sẽ là di sản lớn nhất của FPT. Chúng ta làm công nghệ nhưng di sản lớn nhất để lại sẽ không phải công nghệ mà là những gì chúng ta làm cho con người. Covid-19 huỷ diệt nhưng cũng sinh ra những mầm sống mới. Những mầm sống ấy đang lớn lên ở đây trong ngôi nhà FPT. Hãy nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ ấy và những người lớn chúng ta sẽ thay đổi. Mang anh Bình và FPT vào tương lai rất có thể lại là chính những đứa trẻ này. Vì những đưa bé này có thể sẽ ngấm được anh Bình, ngấm được FPT nhiều nhất. Ai mà ngấm được ta nhiều nhất thì sẽ là người mang ta đi được xa nhất và lâu dài nhất - đi vào tương lai.
FPT đã vào tuổi 40. Đã đi qua giai đoạn khởi nghiệp, đã thành công, đã lên đỉnh, đã chững lại và đang tái tạo để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Doanh nghiệp nào rồi cũng sinh, trưởng, lão, rồi bệnh. Khác nhau chính ở khả năng tái sinh khi già bệnh. FPT mà qua được đoạn này là đã thoát khỏi cái vòng Sinh-Lão-Bệnh-Tử, để gia nhập vào nhóm doanh nghiệp trường tồn. Và có vẻ như công nghệ số (CNS), trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số (CĐS) và sự kiên định với sứ mệnh ban đầu đã giúp FPT tái sinh thành công. Sự đặt cược của FPT vào AI, vào chip bán dẫn, vào EV, và nhất là AI, là một sự lựa chọn đúng mang tính chiến lược.
Tiếp theo đây, tôi xin nói một số ý với các bạn FPT.
Về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của thế kỷ này, ít nhất cũng là của nửa đầu thế kỷ này. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của chúng ta. Xanh và số là một cặp song sinh. Muốn xanh thì phải dùng số và muốn số thì cũng phải dùng xanh. FPT phải là một trong những công ty quan trọng nhất trong 2 công cuộc chuyển đổi mang tính thế kỷ này, không chỉ trong nước mà là cả trên thế giới.
Về những chuyển dịch quan trọng của ngành ICT
10-20-30 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của lĩnh vực Viễn thông - Công nghệ thông tin - Công nghệ số: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ; từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ứng dụng số; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính.
Về hạ tầng số của Việt Nam
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Về trí tuệ nhân tạo
AI là công nghệ chính và quan trọng nhất, mang tính cách mạng nhất của CMCN lần thứ tư, nó sẽ giống như động cơ hơi nước, như điện, như máy tính của các cuộc CMCN trước đây. Tức là một loại công nghệ có tính phổ cập và ứng dụng trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và tới mọi người. Nhưng khác với 3 cuộc CMCN trước đây là máy móc thay lao động chân tay, máy móc là công cụ lao động của con người, thì nay, AI thay lao động trí óc, là trợ lý cho con người.
Để AI Empower con người thì AI phải được phổ cập như dịch vụ. Trách nhiệm phổ cập này phải thuộc về các công ty CNS như FPT.
Năm 2024 là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp .
AI diện hẹp là AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và huấn luyện cho một nhiệm vụ cụ thể. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi chức năng được xác định trước. Công nghệ AI diện hẹp hiện đã sẵn sàng để ứng dụng rộng rãi.
AI diện hẹp là AI của người dùng, do người dùng tham gia tạo ra, là đứa con, là bộ não mở rộng, là trợ lý ảo của người dùng. Người dùng cung cấp cho AI diện hẹp của mình các dữ liệu và đặt ra yêu cầu, mục tiêu. Người dùng huấn luyện AI của riêng mình và sau đó sử dụng. Người dùng tạo ra nó, vì thế mà tin tưởng nó. AI diện hẹp nằm dưới sự kiểm soát của người dùng, bởi vì chính họ hoặc tổ chức của họ đã tạo ra nó, chứ không phải ai khác. AI diện hẹp là AI dùng riêng, nó không cần quá nhiều các quy định của chính quyền. Nhà mạng thì cung cấp AI engine và năng lực tính toán như một dịch vụ để mỗi người Việt Nam có một trợ lý ảo.
FPT chắc sẽ phải là một trong những công ty AI lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, với hành ngàn, hàng chục ngàn kỹ sư AI. Dùng AI để tạo ra một Việt Nam số. Dùng AI để chuyển đổi số. Dùng AI để giải quyết những bài toán lớn của quốc gia. Và dùng AI để đi ra nước ngoài.
Về công nghiệp bán dẫn
Năm 2024 sẽ là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu.
Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế về gen là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ $ mỗi năm, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ $, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ $, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số thì sẽ lên tới 20.000 tỷ $, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn, và lớn hơn 600 lần thiết kế chip.
Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử-viễn thông, thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp CĐS. Công nghiệp CĐS là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam với 100 triệu dân là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, CĐS nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.
FPT nếu muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, thì phải có tầm nhìn lớn hơn và một quyết tâm lớn hơn. FPT là doanh nghiệp lớn thì phải nhìn vào những không gian lớn hơn, khó hơn và để lại những không gian nhỏ hơn, dễ hơn cho người khác.
Đất nước biết ơn các doanh nghiệp vì họ tạo ra của cải, họ tạo ra công việc, họ làm cho đất nước hưng thịnh, họ làm rạng danh đất nước, họ làm ra vũ khí bảo vệ Tổ quốc.
Doanh nghiệp mà hàng ngàn người, giá trị hàng trăm triệu đô la thì doanh nghiệp ấy không còn là của mình nữa. Làm doanh nghiệp khi ấy không phải vì mình nữa. Trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều. Và nếu không vì một cái gì đó lớn hơn thì cũng không có đủ năng lượng để dẫn một doanh nghiệp lớn như vậy đi tiếp. Anh Trương Gia Bình bây giờ không phải người thường nữa rồi, mà là người “nhà Trời”. Là người sứ mệnh lớn, hy sinh lớn. Anh Bình chắc cũng chẳng muốn như vậy, nhưng đã đến nước này thì không thể khác đi được nữa. Hãy coi là số mệnh vậy! Nhưng cũng tự hào và vinh quang vì là người được chọn.
Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn. Việt Nam thường xuyên bị xâm lăng nên có thể vì vậy mà ít giấc mơ lớn. Nhưng nếu không mơ lớn, không lớn mạnh thì sẽ lại bị xâm lăng. Lại mất nước, lại về không, rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu cứ lặp đi lặp lại như vậy thì biết đến bao giờ Việt Nam mới cường thịnh, mới có hoà bình lâu dài? Liệu chúng ta có thể phá vỡ vòng lặp này hay không? Liệu doanh nghiệp có phần gì, trách nhiệm gì ở đây không? Phần của các bạn, trách nhiệm của các bạn là rất lớn, nếu không nói là lớn nhất. Nhưng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Phải có giấc mơ lớn. Phải giầu có và mang sự giầu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh, và đặc biệt, làm chủ những công nghệ hiện đại nhất để chế tạo ra vũ khí, chế tạo ra “nỏ thần” bảo vệ Tổ quốc. Quốc gia hưng thịnh mà không tự bảo vệ được mình thì sự hưng thịnh đó là xây trên cát.
FPT bây giờ lớn rồi, đã ở top đầu Việt Nam rồi, đã đi ra toàn cầu, đã cạnh tranh quốc tế. FPT lớn lên được như vậy là do Việt Nam nuôi dưỡng, bây giờ là lúc trả lại công bố mẹ sinh thành, nuôi dưỡng. Hãy dùng công nghệ để thay đổi Việt Nam, hãy dùng CNS để công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam. Hãy dùng CNS để CĐS Việt Nam, biến Việt Nam thành quốc gia số, góp phần để Việt Nam hoá rồng, hoá hổ vào giữa thế kỷ này. Quốc gia, dân tộc thì trường tồn. Doanh nghiệp mà gắn với quốc gia, dân tộc thì cũng sẽ trường tồn.
Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các doanh nghiệp cũng khó khăn. Nhưng khó khăn là một phép thử. Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của doanh nghiệp. Khó khăn làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn các vấn đề ở tầng dưới. Xử lý được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi. Bởi vậy, lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn. Không nên bỏ phí những lúc khó khăn này. Khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển.
Chủ đề năm 2024 của Bộ TT&TT là: Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết CĐS, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng CĐS cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển chuyển đổi số, kinh tế số (KTS) rất chậm.
Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp CNS phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển.
Các doanh nghiệp CNS Việt Nam, như FPT, hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp CNS từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, nhất là các ứng dụng số công nghiệp.
Phát triển KTS các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động (NSLĐ) của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng NSLĐ, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển KTS các ngành. Doanh nghiệp CNS làm các ứng dụng số cũng chính là góp phần tăng NSLĐ cho quốc gia.
Việt Nam không phải nước nhỏ. 100 triệu dân, đứng thứ 14-15 thế giới. GDP lớn thứ 35-40. Sự thông minh chắc top 10. STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học) chắc top 5. Tinh thần tự cường chắc cũng top 5. Chăm chỉ chắc top 3. Sự linh hoạt chắc số 1. Vậy là Việt Nam không hề nhỏ. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc. Các doanh nghiệp dân tộc chính là những nhân tố chính để biến Việt Nam thành cường quốc. Tổ quốc đang gọi tên những doanh nhân và doanh nghiệp có tinh thần quốc gia, dân tộc.
Ngành TT&TT phát triển được thì đầu tiên là do các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành. Là do sự dấn thân của các Chủ tịch, các Tổng giám đốc. Là do sự khai phá các vùng đất lạ của các bạn. Là do sự chấp nhận rủi ro của các bạn. Thay mặt Bộ TT&TT, tôi xin cảm ơn FPT, cảm ơn sự đóng góp của các bạn.
Năm nay là năm Giáp Thìn.
Giáp thuộc hành Mộc. Giáp Mộc đại diện cho cây cổ thụ to lớn, cường tráng, cương trực. Giáp còn là khởi đầu của một chu kỳ 10 năm của Thiên Can.
Giáp Thìn thì thuộc hành Hoả, Phú Đăng Hoả. Là ngọn đèn ấm áp, toả sáng. Xua đi những khó khăn của năm trước.
Năm con Rồng thì nhiều hoài bão, ước mơ và mục tiêu lớn lao. Trong văn hóa phương Đông, rồng tượng trưng quyền lực, là biểu tượng của thần thánh, linh thiêng. Bởi vậy, năm nay được xem là năm tràn đầy năng lượng và sức mạnh, vừa có sức quyến rũ vừa tỏa sáng, có quyền lực và kinh doanh thành công.
Thay mặt Bộ TT&TT, tôi chúc anh Trương Gia Bình và các bạn FPT năm mới Giáp Thìn luôn có ý thức về sứ mệnh quốc gia, nhân loại, nhận được năng lượng của Trời Đất, vượt qua khó khăn, thách thức và thành công, góp phần làm rạng danh Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông